Ngày 21/7, Bộ GD-ĐT ra Quyết định 2454 về Chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455 về Chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Lịch sử và Địa lý. Theo các quyết định này, thời gian bồi dưỡng là 3 tháng.
Nhiều giáo viên cho rằng, thời gian 3 tháng có phần gấp gáp để giáo viên Sử dạy Địa lý, giáo viên Địa lý dạy Lịch sử.
Thầy M., giáo viên Lịch sử một trường THCS quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay, thầy và nhiều đồng nghiệp không đồng ý với chủ trương tập huấn này. Lý do thầy M. đưa ra là “một người được học và đào tạo bài bản 4 năm trong trường đại học về chuyên môn của môn học khi ra trường dạy còn khó khăn, huống hồ giờ đây hy vọng chỉ bồi dưỡng trong 3 tháng để một giáo viên Lịch sử dạy Địa lý hoặc ngược lại”.
Đặc biệt, riêng với giáo viên dạy lớp 6 với SGK mới, thì nhiều ý kiến cho rằng quá cập rập khi năm học mới sắp bắt đầu.
Trên mạng xã hội, nhiều người còn xôn xao trước thông tin giáo viên phải tự trả kinh phí để theo học và có “chứng chỉ tích hợp”, thậm chí có người còn lo bị “tinh giản biên chế’ nếu không có chứng chỉ bồi dưỡng này.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, Nhà nước đã bố trí 778,8 tỷ đồng từ ngân sách cho thực hiện các nhiệm vụ của Đề án này, trong đó có việc bồi dưỡng giáo viên.
Theo VietNamNet, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay, đây là chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm. Riêng với lớp 6 năm nay, Bộ GD-ĐT đã có khóa tập huấn riêng. Sau khi SGK được nghiệm thu, các nhà xuất bản cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên. Ông Đức cho rằng, nhiều người đang hiểu nhầm.
“Mọi việc vẫn đang tiến hành theo lộ trình. Khoảng 4 năm nữa, các trường sư phạm sẽ có lứa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên là giáo viên dạy tích hợp liên môn. Còn hiện nay, giáo viên Địa lý sẽ được bồi dưỡng kiến thức Lịch sử để có thể dạy được và ngược lại; ở đâu, chất lượng không đáp ứng được thì buộc phải phân 2 giáo viên của 2 môn học để cùng dạy tích hợp”, ông Đức nói.
Về kinh phí, ông Đức khẳng định: “Nếu giáo viên được nhà trường cử đi học tập bồi dưỡng thì kinh phí do đơn vị cử đi bồi dưỡng chi trả. Chỉ trong trường hợp, giáo viên tự đi bồi dưỡng theo nguyện vọng cá nhân hoặc những người có bằng đại học ngành khác muốn đi học để dự tuyển làm giáo viên thì mới phải tự chi trả kinh phí”.
Theo giaoduc.net, việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức được thực hiện từ năm 2003. Số lượng chứng chỉ bắt buộc hiện tại lên tới hơn 200. Không phủ nhận hệ thống này góp phần nhất định vào việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Nhưng mặt trái, gánh nặng của nó dường như ngày càng lớn hơn.
Cắt giảm văn bằng, chứng chỉ, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí xã hội là con số rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Về mặt xã hội, giảm chứng chỉ với công chức, viên chức cũng làm triệt tiêu những tiêu cực phát sinh như tội phạm làm giả bằng cấp, cơ sở đào tạo “mua bán” bằng cấp…
Giáo viên đã có bằng cấp đạt chuẩn Luật Giáo dục 2019, nay phải gánh thêm “giấy phép con” “Hoàn thành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn …”; phải chăng Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT đi ngược lại “Cắt giảm văn bằng, chứng chỉ: Giảm tiêu cực cho xã hội”?