Trong buổi làm việc trực tuyến chiều tối 26/8, với 312 phường, xã tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xét nghiệm diện rộng toàn TP.HCM. Ông cũng yêu cầu sơ tán dân nếu cần thiết.
Báo Zing đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sáng 26/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã chia làm 6 tổ để đi kiểm tra các xã, phường trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, Ban Chỉ đạo nhận thấy nhiều xã, phường làm tốt nhưng nhiều nơi chưa được.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định chiến lược, quan điểm, biện pháp cơ bản đúng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không chắc chuẩn 100% vì tình hình diễn biến rất nhanh, các địa phương cần linh hoạt lại quyết để thực hiện mục tiêu một cách nhanh nhất.
Dân lúng túng khi cần không biết gọi ai
Thủ tướng kể lại trong chuyến kiểm tra sáng nay, ông hỏi người dân rằng khi cần an sinh xã hội, hết đồ ăn phải gọi ai thì họ lúng túng. Tương tự, người dân cũng chưa biết cách liên lạc khi cần tiếp cận y tế. Ông yêu cầu phải điều chỉnh ngay thì giãn cách mới thành công.
Ông cũng đề nghị địa phương vận động người dân để thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi trong việc tuân thủ giãn cách xã hội.
“Nếu không làm dứt điểm, đã hy sinh thời gian dài để chống dịch mà không quyết tâm, không làm mà còn kéo dài thì sẽ khổ nữa. Trong thời gian tăng cường giãn cách phải đạt được mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh tại 312 xã, phường. 312 xã, phường mà kiểm soát được dịch bệnh thì toàn thành phố kiểm soát được dịch. Thế nên phải lấy xã, phường là pháo đài”, Thủ tướng lý giải chủ trương trong Nghị quyết 86.
Xét nghiệm thần tốc toàn thành phố
Thủ tướng đặc biệt lưu ý nhiệm vụ xét nghiệm thần tốc toàn thành phố sao cho khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ông nhắc nhở đây là chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt và yêu cầu “không chập chờn”.
“Để giảm tử vong trước hết phải giảm F0. Muốn giảm F0 phải giảm nguồn lây, muốn giảm nguồn lây thì phải phát hiện ra nguồn lây thật nhanh. Muốn vậy thì lâm sàng không phát hiện được mà phải xét nghiệm”, Thủ tướng lý giải.
Sau khi xét nghiệm, địa phương phải phân loại được F0 để chăm sóc, điều trị phù hợp.
Thủ tướng dẫn chứng sáng 26/8 đã kiểm tra một phường thì trong 3 ngày phát hiện 123 F0. Một người được chuyển lên tuyến trên, 12 người điều trị tại phường còn 110 người chăm sóc tại nhà. Ông đặt vấn đề nếu cả 123 người này cùng đưa lên tuyến trên, rồi 312 phường, xã đều làm như vậy, hệ thống y tế chắc chắn vỡ trận.
Sơ tán dân nếu cần
Một vấn đề khác được Thủ tướng đề cập là sơ tán dân ở khu vực đông dân cư. Ví dụ ở Bắc Giang, mấy chục nghìn người tập trung ở một chỗ dẫn đến lây nhiễm. Do đó, Thủ tướng đã bàn với Quân khu 3 để hành quân đi nơi khác, nhường chỗ cho người dân.
Ông cho hay, chỗ nào cần sơ tán thì sơ tán. Có thể sơ tán ra huyện Cần Giờ. Nghiên cứu thấy tốt thì làm, thí điểm chưa tốt thì rút kinh nghiệm từng bước.
Về các công việc trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu kiện toàn, thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch tại xã, phường để xử lý tất cả vấn đề. Đồng thời, thành phố và quận, huyện phải tăng kiểm tra, giám sát chính quyền cấp dưới.
Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh chỗ nào sinh ra giấy phép con thì đề nghị phê bình, báo cáo ngay với ông để xử lý.
“Tư tưởng chỉ đạo lớn đã thống nhất thì không điều chỉnh nhưng không quá máy móc. Ví dụ không hiệu quả thì phải điều chỉnh. Nay hiệu quả nhưng mai chưa hiệu quả thì phải điều chỉnh. Nhưng tư tưởng, chính sách lớn, thấy đúng, rõ, chín, thực hiện có hiệu quả và kiểm nghiệm rồi thì tiếp tục làm. Cái gì chưa rõ, còn băn khoăn thì thí điểm, thấy tốt thì làm”, Thủ tướng cho biết.
Di dời 2.000 người dân quận Bình Thạnh để bảo đảm giãn cách
Liên quan đến việc di dời dân để phòng dịch COVID-19, TTXVN đưa tin, tính đến 18 giờ ngày 26/8, đã có trên 600 người trong số 2.000 người dân sống tại các khu trọ, nhà lụp xụp, nhà trên ven kênh, hẻm sâu và đặc biệt là hộ gia đình có người trên 65 tuổi, bệnh lý nền thuộc các Phường 12 và 27 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã được dời về ở tại Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa và Khu chung cư 1050, quận Bình Thạnh để bảo đảm phòng, chống dịch và an sinh xã hội trong những ngày giãn cách xã hội theo yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, ngoài chỗ ở, mỗi người dân còn được hỗ trợ 500.000 đồng tiền mặt, túi an sinh, tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và hàng ngày được chính quyền địa phương cung cấp suất ăn, lương thực thực phẩm cho đến hết 15/9.
Theo ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh, các hộ đồng ý thì địa phương mới hỗ trợ di dời và đợt di dời này khoảng 2.000 người sẽ được thực hiện trong 3 ngày 26, 27 và 28/8. Việc di dời không chỉ bảo đảm người dân được hỗ trợ về đời sống, chăm lo về y tế mà còn hạn chế tối đa việc lây nhiễm và tử vong do dịch COVID-19.
Tính đến chiều tối 26/8, tổng số ca nhiễm tại TP.HCM đã lên 194.100 ca. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 392.938 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.997 ca nhiễm).
Có thể bạn quan tâm: