Giếng ngọc trong khuôn viên di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu đã bị phá bỏ để thay mới khiến người dân bức xúc.

Báo Zing đưa tin, ngày 19/3, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), UBND huyện Thiệu Hóa kiểm tra, làm rõ việc phá giếng cổ làm mới gây bức xúc trong nhân dân.

Giếng cổ này tại di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu (tại thôn 3, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa).

Theo tìm hiểu của phóng viên, những ngày qua, người dân xã Thiệu Trung và những nhà nghiên cứu lịch sử rất bất bình trước việc UBND huyện Thiệu Hóa cho phá bỏ giếng Ngọc (được cho có tuổi đời hàng trăm năm) tại di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu, để trùng tu, tôn tạo bằng cách làm mới giếng Ngọc ngay trên nền giếng cổ.

Ảnh chụp màn hình Zing.

Bà Trần Thị Lự (84 tuổi, ngụ xã Thiệu Trung) cho biết không rõ giếng Ngọc có từ khi nào vì khi lớn lên bà đã thấy có giếng nước này. Đây là công trình gắn bó, gần gũi với nhân dân Thiệu Trung. “Việc trùng tu, tôn tạo di tích là cần thiết, thế nhưng huyện cho phá giếng cũ, thu nhỏ lòng giếng bằng một cái giếng mới toanh như thế này thì dân làng không đồng tình. Chúng tôi thấy xót xa lắm”, bà Lự chia sẻ.

Ông Trần Văn Oanh (52 tuổi, ngụ thôn 3, xã Thiệu Trung) và nhiều người dân khi được hỏi cũng tỏ ra bức xúc trước cách trùng tu di tích của chính quyền địa phương.

Ông Oanh cho biết trước khi tiến hành trùng tu, chính quyền địa phương đã không họp và hỏi ý kiến người dân. “Chúng tôi thực sự rất tiếc nuối khi giếng cổ bị phá bỏ, xây mới. Giếng Ngọc đã gắn bó với dân làng hàng trăm năm, giờ phá thế này cũng không thể giữ được nữa rồi”, ông Oanh nói.

“Giếng ngọc nói chung thường được người dân xem như là “con mắt”, “mắt rồng” hay “huyệt đạo” của làng”. Từ bao đời nay, giếng ngọc trong đền thờ Lê Văn Hưu luôn được người dân bảo vệ, giữ gìn. Việc lấp giếng cũ, xây giếng mới kích thước nhỏ hơn đang gây bức xúc cho người dân xã Thiệu Trung nói riêng và các nhà nghiên cứu văn hóa nói chung. “Việc tu bổ giếng là cần thiết, nhưng tu bổ giếng cổ có tuổi đời hàng trăm năm bằng cách như thế là vi phạm các yếu tố về lịch sử, di tích, và tâm linh của người dân”, ông Nguyễn Xuân Văn, một người con xã Thiệu Trung có am hiểu về lịch sử, văn hóa nói với Thanh Niên.

Ảnh chụp màn hình NLĐ.

Được biết, dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu có tổng mức đầu tư hơn 38 tỷ đồng. Công trình này được chia làm 3 giai đoạn, giếng Ngọc là hạng mục công trình nằm trong giai đoạn 3. Công trình này đang được UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án trước ngày kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu trong tháng Tư tới đây.

Ảnh chụp màn hình.

Có thể bạn quan tâm: