Sinh vật lạ mới phát hiện ở Kiên Giang với nhiều xúc tu ngoe nguẩy không chỉ khiến cư dân mạng bàn tán xôn xao, mà báo chí nước ngoài cũng bối rối vì chưa biết gọi tên chúng thế nào cho đúng.
Sinh vật kỳ lạ màu nâu đỏ với nhiều xúc tu liên tục ngoe nguẩy. (Video: Dailymail)
Trang tin Dailymail của Anh mới đây đăng tải video ngắn ghi lại hình ảnh một sinh vật kỳ lạ không rõ danh tính và thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả quốc tế.
Sinh vật kỳ lạ được tìm thấy trên bãi biển tỉnh Kiên Giang, Việt Nam vào tháng trước bởi một hướng dẫn viên du lịch tên Du Nam Du.

Hướng dẫn viên này đã đặt sinh vật nói trên lên một chiếc bàn màu xanh và nó liên tục ngoe nguẩy. “Tôi không rõ nó là động vật hay thực vật nữa”, Du Nam Du cho hay.
Trong khi đó, một người khác đưa ra “thuyết âm mưu”: “Đó là con quái vật. Một ngày nào đó nó sẽ trở lại đại dương và thậm chí còn to gấp chục lần”.

Sau đó, hướng dẫn viên đã thả sinh vật kỳ lạ này về biển, tuy nhiên hiện tại nhiều trang tin nước ngoài hay người dân tại Việt Nam cũng đều tò mò chưa rõ sinh vật kỳ lạ này thực chất là gì.
Cư dân mạng đều cảm thấy kỳ lạ thậm chí có phần “rợn tóc gáy” khi xem video nói trên và đưa ra rất nhiều ý kiến phỏng đoán sinh vật này này có thể là một loại san hô, tảo, sao biển…
Từng bắt gặp sinh vật này, một tài khoản có tên Trương Mạnh Hà cho biết: “Ở ngoài biển Trường Sa rất nhiều mà chính tôi đã được nghịch trên đảo Núi Le”.
Tương tự, một cư dân mạng khác khẳng định từng bắt gặp sinh vật này: “Loại này đã từng câu được cách đây mấy tháng ở ngoài rìa Hòn Thơm, Phú Quốc. Đưa lên vỏ thấy xúc tu ngo ngoe liên tục, màu vàng cát, đường kính khoảng 40cm, có miệng ở tâm, câu được bằng mồi mực, mùi tanh như san hô sống, khả năng là một loại sao biển”.
Trong khi đó một tài khoản có tên Nguyễn Hân cho biết: Đây là “sao biển rổ”, tên tiếng Anh là Basket Stars, hay còn được gọi là Shetland Argus. Với người dân thì lạ vì rất hiếm khi thấy nó, nhưng nó đã được các nhà khoa học phát hiện và nghiên cứu từ lâu rồi. Vậy nên thả nó về biển là hợp lý, vì rõ ràng để nó ở môi trường trên cạn đã làm cho các bộ phận của nó phải hoạt động liên tục như trong clip.
Một bộ phân cư dân mạng cũng tỏ ra tiếc nuối khi sinh vật này đã được thả về biển thay vì trao cho Viện Hải dương học nghiên cứu.
Như Quỳnh