Thêm 3.794 ca COVID-19

Tính từ 18h30 ngày 6/8 đến 6h ngày 7/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.794 ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tại TP.HCM (1.836), Bình Dương (882), Đồng Nai (466), Tiền Giang (165), Long An (160), Bà Rịa – Vũng Tàu (100), Vĩnh Long (62), Phú Yên (31), Sơn La (20), Kiên Giang (17), Bình Định (17), Lâm Đồng (12), Đồng Tháp (11), Đắk Nông (7), Hải Dương (3), Bạc Liêu (3), Thanh Hóa (2). Trong đó, 933 ca cộng đồng.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 197.175 ca nhiễm gồm 2.338 ca nhập cảnh và 194.837 ca mắc trong nước.

Bình Phước xử phạt 9 cửa Bách Hóa Xanh vì bán hàng quá hạn sử dụng

Bình Phước xử phạt vi phạm hành chính 9 cửa hàng Bách Hóa Xanh kinh doanh hàng hết hạn sử dụng và không niêm yết giá.

Theo Zing, thông tin này được Sở Công Thương Bình Phước cho biết hôm 6 tháng 8, sau thời gian cơ quan này tiến hành kiểm tra 3 siêu thị và 24 trong số 60 cửa hàng Bách Hóa Xanh trong dịch COVID-19, để chấn chỉnh hành vi lợi dụng dịch bệnh tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm.

Trước đó, một loạt cửa hàng Bách Hóa Xanh ở Long An, An Giang cũng bị cơ quan quản lý thị trường lập biên bản, xử phạt vì các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, tính tiền khối lượng chênh lệch cao hơn khối lượng người dân mua hàng…

Xử trí nhanh các tình huống nóng khi F0 cách ly tại nhà

Laodong – TP.HCM đang gấp rút chuẩn bị các công đoạn để chính thức triển khai cách ly F0 tại nhà. Việc quản lý sức khỏe người nhiễm COVID-19 tại nhà phải luôn được chú trọng là nhanh và nóng.

Bác sĩ Phan Hồng Tâm – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, từ 5.8, HCDC bắt đầu công tác chuẩn bị để chính thức triển khai cách ly F0 tại nhà. Bác sĩ Tâm cho biết, trước khi áp dụng, một số nơi đã được thí điểm thực hiện.

Cùng với đó, TP.HCM đang khẩn trương thành lập 312 tổ phản ứng nhanh tại phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng.

Thuốc Remdesivir chính thức được dùng điều trị COVID-19 ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam

Nld – Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tối 6/8 cho biết Hội đồng chuyên môn đã bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam sau khi xem xét các yếu tố chất lượng, hiệu quả của thuốc trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, theo công bố chính thức, Remdesivir là thuốc hỗ trợ điều trị, không phải là thuốc đặc trị Covid-19. Hơn nữa, đây là thuốc mới nên việc sử dụng thuốc cho người bệnh phải được bác sĩ chỉ định.

Thuốc Remdesivir đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khẩn cấp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ ngày 22/10/2020. Thuốc sẽ không phải thử nghiệm lâm sàng mà được đưa vào điều trị ngay cho người bệnh. Toàn bộ lô thuốc kháng virus Remdesivir điều trị COVID-19 về Việt Nam sẽ được chuyển cho các cơ sở y tế ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam sử dụng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở thể trung bình và nặng.

Tối 5/8, lô thuốc Remdesivir đầu tiên đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất. Lô thuốc sản xuất tại Ấn Độ và chuyến hàng đầu tiên đã được bên mua thuê chuyên cơ chuyển thuốc về Việt Nam.

Remdessivir là một loại dược chất tương tự adenosine nucleoside, Đường dùng là qua đường tĩnh mạch. Thuốc có khả năng làm gián đoạn quá trình tạo ra hàng nghìn bản sao của virus.

Hàng triệu tấn nông sản sắp thu hoạch ‘kêu cứu’ tiêu thụ

Tienphong – Tại “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021″ chiều 6/8, Bộ Công Thương ” cho biết, hiện nay lượng hàng nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chăn nuôi ở các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên cần được tiêu thụ khá lớn.

Cụ thể, khu vực này có khoảng 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120.000 tấn hải sản, 400 triệu quả trứng và hàng chục ngàn tấn gia súc, gia cầm… đang đến thu hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ khâu thu hoạch, vận chuyển, đến chế biến tiêu thụ đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số thị trường truyền thống và đối tác lâu năm dừng nhập hàng nên đầu ra các sản phẩm bị ách tắc.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, trong tháng 8, Long An bước vào vụ thu hoạch thanh long với sản lượng dự kiến khoảng 15.000 tấn. Bên cạnh đó, tỉnh còn có hàng nghìn tấn nông sản, thủy sản gồm lúa, dưa hấu, tôm,… Phần lớn thị trường tiêu thụ là TP HCM và các tỉnh lân cận, song những địa phương này đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc thu hoạch, tiêu thụ bị chững lại.

Tại Hậu Giang, địa diện tỉnh này cho biết, đang tồn đọng gần 2.700 tấn nông sản, trong đó rau các loại tồn đọng khoảng 75 tấn, cây ăn trái các loại tồn đọng 470 tấn và khoảng 2.000 tấn thủy sản…đến vụ thu hoạch nhưng thị trường tiêu thụ hiện rất nhỏ giọt. Nếu không có giải pháp kịp thời, rất dễ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Có thể bạn quan tâm: