Ngày 11/3, ông Lê Báy, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết đã yêu cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi báo cáo cụ thể vụ không cho xe cứu thương vào đón bệnh nhân chuyển viện, khiến dư luận bức xúc.
Trước đó, vào lúc 17 giờ 40 ngày 9/3, tại khu cấp cứu của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận bệnh nhân (BN) Đinh Trung Thắng (18 tuổi, trú xã Bình Hòa, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị chấn thương sọ não. Tối cùng ngày, người nhà xin được chuyển anh Thắng đi Đà Nẵng để cứu chữa nhưng xe cấp cứu không vào được tận nơi mà người nhà phải đẩy băng ca một đoạn khoảng 50m, từ khu cấp cứu ra ngoài BVĐK Quảng Ngãi.
Anh Bùi Văn Hòa (ở xã Bình Hòa, cậu ruột của BN Thắng) bức xúc: “Chúng tôi xin hai, ba lần nhưng bảo vệ BV không cho xe cấp cứu vô đón BN, mà buộc đẩy băng ca từ trong đó ra đây”. Còn tài xế xe cứu thương là Nguyễn Đức Tuấn (xe cấp cứu mang biển số 76B – 01385) cũng xác nhận là BV không cho xe vào. Đáng nói, BN Thắng khi ra đến BVĐK Đà Nẵng thì sáng hôm sau (10/3) tử vong.
Trên báo Tuổi Trẻ, anh Minh Huy, người chứng kiến vụ việc, cho biết quá ngỡ ngàng, không hiểu vì sao xe cứu thương lại không được vào bệnh viện. “Tôi nghĩ cần phải làm rõ sự việc, bởi đây là tính mạng con người. Nếu tình trạng này tái diễn sẽ gây khó cho bệnh nhân lúc sức khỏe nguy hiểm”, anh Huy nói.
Theo tìm hiểu, vụ việc xe cứu thương tại BVĐK Quảng Ngãi là vấn đề nhức nhối, thường xuyên xảy ra những cự cãi. Người dân sống ở khu vực này cũng cho biết đây không phải trường hợp đầu tiên, tình trạng tương tự đã xảy ra trước đó.
Nguồn tin trên cho hay, sau khi sự việc xảy ra, ngày 10/3, Ban Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Ngãi đã họp với các khoa, phòng liên quan cùng ông Nguyễn Đức Tuấn, tài xế xe cấp cứu, và tổ bảo vệ trực ngày 9/3.
Trước sự việc này, ông Lê Báy, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho rằng, xe cứu thương phải đến tận nơi cấp cứu để đón BN, còn cách các BV tổ chức phòng chống bệnh lây nhiễm như thế nào thì phải công khai để người ta rõ. “Để xảy ra việc đẩy BN ra ngoài đường thì hoàn toàn không đúng về chuyên môn của cấp chuyển viện”, ông Báy khẳng định và cho biết sẽ yêu cầu BVĐK tỉnh Quảng Ngãi báo cáo cụ thể vụ việc.
Quy định mai táng bệnh nhân COVID không tốn phí, nhưng dân vẫn phải “nộp” hàng chục triệu đồng
Liên quan đến vấn đề của các bệnh viện ở Quảng Ngãi, trước đó, dư luận bức xúc về việc “chặt chém” xảy ra tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi (cơ sở 2). Cụ thể anh B.M.L (trú huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, cha anh qua đời vì COVID-19 tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi (cơ sở 2). Gia đình anh được giới thiệu một cơ sở lo tang lễ trọn gói cho cha với giá 28 triệu đồng.
“Quãng đường từ bệnh viện đến nghĩa trang chỉ có 7km, thêm cái quan tài loại thường mà tới 28 triệu đồng, trong khi huyệt mộ gia đình đã chuẩn bị sẵn. Vì cha tôi chết do dịch bệnh nên gia đình không thể mang về tự mai táng, không còn lựa chọn nào khác nên đành phải chấp nhận”, anh L bức xúc khi chia sẻ trên báo Tiền Phong.
Tương tự, khoảng giữa tháng 2/2022, bà T.T.T. (trú huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cũng bị “chém” với giá 35 triệu đồng cho việc vận chuyển, an táng chồng chết do COVID-19 tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Quảng Ngãi.
Được biết, mỗi gia đình có người thân tử vong vì COVID-19 bị dịch vụ mai táng “hét” một mức giá khác nhau nhưng thấp nhất cũng 20 triệu đồng. Ở những địa bàn xa như thị xã Đức Phổ hay các huyện miền núi, mức giá này cao gấp đôi, từ 40 – 50 triệu đồng.
Những trường hợp hỏa thiêu ở TP. Đà Nẵng, chi phí lên tới 60-70 triệu đồng. Trong khi đó, theo khẳng định của ông Lê Báy – Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, theo quy định hiện hành, gia đình có người thân mất vì COVID-19 không phải tốn chi phí mai táng.
Có thể bạn quan tâm: