Hàng loạt phao cứu sinh treo ở cầu Chương Dương, Nhật Tân và Vĩnh Tuy đã bị đại diện Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Hà Nội thu giữ vì lý do nhóm tình nguyện chưa làm việc với nhà chức trách.
VTC đưa tin, ngày 19/5, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin cho rằng, hơn nửa số phao cứu sinh lắp trên 6 cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội bị trộm mất. Tuy nhiên, đại diện Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội (đơn vị quản lý 3 cầu Chương Dương, Nhật Tân và Vĩnh Tuy) cho biết, đơn vị đã tạm thu lại số phao cứu sinh trên để làm việc với nhóm tình nguyện.
“Những phao cứu sinh này không bị mất cắp mà chúng tôi tạm thu lại để làm việc với nhóm tình nguyện. Họ chủ động treo phao lên cầu mà chưa làm việc và có sự thống nhất với đơn vị quản lý”, vị lãnh đạo thông tin.
Theo vị này, đơn vị hoàn toàn ủng hộ hoạt động treo phao cứu sinh trên cầu với hi vọng giúp đỡ các nạn nhân đuối nước. Tuy nhiên, nhóm tình nguyện cần làm việc với ban quản lý hay chính quyền địa phương trước khi thực hiện.
“Chúng tôi đã mời trưởng nhóm tình nguyện lên làm việc, tuy nhiên người này bận công tác nên hẹn sau”, đại diện Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Hà Nội nói.
Về mục đích lắp phao cứu người, đại diện Công ty cổ phần công trình giao thông Hà Nội hoàn toàn ủng hộ, “vì đây là một việc tốt nhưng cần có phương án cụ thể, hợp lý chứ không muốn việc làm này nhanh chóng bị lãng quên”.

Ngày 16/5, một lãnh đạo phường của quận Long Biên cho biết đã nắm được hoạt động treo phao cứu sinh trên cầu Long Biên của nhóm tình nguyện viên. “Việc treo phao trên thành cầu liên quan đến mảng văn minh đô thị. Nếu treo đảm bảo an toàn, có người trực chốt khi có tình huống xấu xảy ra, họ thả phao cứu người, đó là hành động đẹp, cần phát huy. Nhưng chúng tôi cũng cần kiểm tra và xác minh thêm một số thông tin”, vị này nói.
Hơn 100 phao cứu sinh đã lắp tại bốn tỉnh, thành phố, chỉ Hà Nội xảy ra sự cố
Trước đó, anh Nguyễn Ngọc Khánh, 35 tuổi, đội trưởng Câu lạc bộ (CLB) bơi khám phá, cùng với các tình nguyện viên tiến hành treo 33 chiếc phao cứu sinh trên thành của 6 cây cầu trên địa bàn thủ đô gồm Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì, từ ngày 14/5. Tùy độ dài, mỗi cầu được bố trí từ ba đến năm phao.
Hoạt động này nằm trong chương trình lắp đặt hơn 400 chiếc phao cứu sinh trên các cầu bắc qua sông Hồng thuộc các tỉnh từ Lào Cai đến Thái Bình. Từ ngày 6/5 đến nay, nhóm của anh Khánh đã lắp hơn 100 phao cứu sinh tại bốn tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Nội.
Chia sẻ với VnExpress, anh Nguyễn Ngọc Khánh cho biết, trước khi lắp đặt phao cứu sinh, CLB đã chủ động liên hệ với các địa phương xin ý kiến. “Khi giải thích rõ về mục đích lắp phao, câu lạc bộ nhận sự đồng thuận. Nhiều địa phương còn đề xuất lắp thêm tại các cầu không bắc qua sông Hồng”, anh cho biết.

Anh Cương Hà, 24 tuổi, một trong những người trực tiếp lắp phao cứu sinh, cho biết đã nắm bắt việc mất phao tại cầu Chương Dương và Nhật Tân. Nguyên nhân do lấy trộm hay bị thu giữ chưa có thông tin cụ thể. Nhưng anh mong sớm lắp đặt lại phao trên cầu, tránh xảy ra những vụ việc thương tâm.
“Trong hơn 100 phao cứu sinh đã lắp tại bốn tỉnh, thành phố, chỉ địa bàn Hà Nội xảy ra tình trạng mất phao. Còn các cầu khác tại Yên Bái, Lào Cai và Tuyên Quang, phao trên cầu vẫn nguyên”, anh Cương nói.
Sự việc trên đã thu hút dư luận xã hội và đã có những ý kiến liên quan đến việc thu dữ phao cứu sinh này:
Một bạn đọc bình luận rằng, “trong lúc chờ 2 bên làm việc thì cứ để phao y nguyên đã cũng được mà.
“Đây là việc làm rất nhân văn, sao lại thu giữ.”
“Tôi chưa nghĩ ra mục đích xấu của việc treo phao trên cầu trong tình hình hiện nay.”
“Nói thật chứ chẳng may có ai đó nhảy cầu thì lúc đó chiếc phao cứu sinh là thứ quý giá nhất.”
“Ban quản lý cầu cũng có lý của mình. Lẽ ra nhóm thiện nguyện cần làm đúng quy trình. Tuy nhiên, việc lắp phao cứu sinh không ảnh hưởng tới an toàn giao thông trên cầu dù chưa được thống nhất chỗ lắp đặt, nên việc ban quản lý cầu tịch thu là cứng nhắc. Theo tôi thì lẽ ra các bác nên cứ để phao đó trong khi liên lạc với nhóm thiện nguyện, hoặc báo cáo cấp trên để chờ giải quyết thì sẽ hợp lý hơn.”

Có thể bạn quan tâm: