Khua mái chèo đưa chiếc thuyền nhỏ ra xa, ông Nguyễn Trọng Tư cười hiền hậu, nói vọng: “Tôi đi đón bà ấy đây, mấy ngày rồi không được gặp”. Nguyên là, cơn lụt lịch sử ập đến xã Nam Phương Tiến khiến cặp đôi U70 ở xóm Bèo phải rơi vào cảnh “đôi ngả chia xa”, bà đi sơ tán, còn ông ở lại sống chung với lũ.
Ông Tư bảo, gần 70 tuổi, đi nhiều nơi rồi về quê sống, lần đầu mới chứng kiến cảnh nước lũ dâng cao kinh khủng thế này. ” Nhà tôi sơ tán hết, mỗi người một nơi. Bà ấy lên chỗ cao ở nhờ, tôi ở lại trông nhà. Lúc nào đi lấy đồ tiếp tế, hay muốn gặp bà ấy thì tôi lại bơi thuyền ra khu gốc đa làng”. Ông Tư vừa kể, vừa chầm chậm tìm dò số điện thoại của vợ. Mỗi cuộc hẹn hò dưới gốc đa của ông bà trong mùa nước lũ này còn công phu và nhọc sức hơn cả thủa thanh niên đi tìm hiểu. Nghĩa là phải nhắn tin, gọi điện hẹn giờ, rồi ông bơi thuyền ra, bà đi bộ tới. Gặp một lúc, nhìn nhau, hỏi thăm có khỏe không, da dẻ… ngứa như nào rồi ông bà lại tạm chia tay.
Lo lắng vì cả tuần nay không gặp được con gái và con rể, bà Nguyễn Thị Nụ (xã Nam Phương Tiến) bảo, từ ngày nước lũ dâng lên tới nay vẫn chưa thể vào thăm con, dù chỉ cách đó nửa cây số. Nhà bà bị ngập sâu hết tầng 1 và phải chuyển toàn bộ tài sản lên tầng 2. Do điện bị cắt, không thể sạc pin điện thoại nên bà cũng không có cách nào để liên lạc để biết tình hình con cháu.

Sốt sắng tìm người quen hỏi thăm tình hình con cháu còn kẹt trong vùng ngập nặng, bà Hoàng Thị Thìn (xóm Trong, xã Nam Phương Tiến) thở dài, chẳng ngờ năm nay ngập ghê thế. Nhìn quanh chỉ thấy mênh mông, toàn nước là nước. “Ai nghĩ được là năm nay nước to như này. Bây giờ thì muốn đi hỏi thăm nhau cũng khó lắm, có chỗ nước cao không vào được. Mà chân lội nước nhiều, mẩn ngứa khó chịu chỉ thêm khổ”.

Không chỉ Nam Phương Tiến, người dân xã Tân Tiến cũng trong cảnh “một gia đình chia hai ba nơi chạy lụt”. Chị Lê Thị Thanh (thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến) bảo, gia đình vừa trở về nhà vào sáng ngày 2/7 khi lũ đã rút bớt. Trước đó, gia đình chị phải đi ở nhờ nhà ngoại do nước lũ lên cao. Khi nước dâng quá nhanh, chị đang mang thai nên phải nhờ hàng xóm cõng giúp con nhỏ mới kịp. Nhiều hộ dân tại thôn Tiến Tiên cũng đã phải đi sơ tán trong những ngày qua.
“Về nhà rồi, nhưng vẫn thấy lo lắm. Vừa sợ nước dâng lên, lại hãi cảnh rắn, rết trườn bò vào nhà như mấy hôm trước”, chị Thanh chia sẻ.
Xác định sống chung với lũ nhiều ngày tới

Gần 15 ngày qua, chìm trong nước lũ, nhiều xã ở Chương Mỹ thiếu nước sạch nghiêm trọng. Nước sinh hoạt, nấu ăn, tắm giặt của người dân đều không đủ. Các hộ dân phải hứng nước mưa hoặc đi mua nước bình về sử dụng.
Điện bị cắt cộng với ngập lụt nên việc nấu ăn với nhiều hộ gia đình cũng rất khó khăn, hầu hết phải ăn tạm mì tôm, bánh mì qua ngày.





Nhiiều đoàn cứu trợ đã tìm tới các vùng rốn ngập của Chương Mỹ để phát tặng mì tôm, bánh mì, các thùng đựng nước sạch… giúp bà con đỡ khó khăn. Tuy nhiên về lâu dài, cuộc sống của người dân vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, bởi họ không thể sống bằng mỳ tôm, khoai luộc suốt cả hai chục ngày trời.
Hiện tại, nhiều gia đình đang tìm cách khắc phục để sống chung với lũ lụt trong thời gian tới bởi lũ lụt chắc chắn kéo dài. Các gia đình đã sắm thêm thuyền tôn, phao nổi để tiện đi lại. Những thùng chứa nước sạch cũng được đặt ở nhiều ngõ xóm để người dân có nước sinh hoạt. Một số gia đình đang sử dụng bếp củi, bếp than cũng đã sắm bếp gas để có thể đun nấu dễ dàng hơn trong mùa mưa lũ.

Như Quỳnh