Diễm Hằng đã từ chối suất tuyển thẳng để thi và đỗ thủ khoa ngành sư phạm Địa lý (Đại học Huế). Khi nghe em chia sẻ nguyên do quyết định này, nhiều người bất ngờ và càng thương, nể phục cô nữ sinh xứ Quảng giàu nghị lực.

Huỳnh Thị Diễm Hằng (18 tuổi, Quảng Nam) đỗ thủ khoa ngành sư phạm Địa lý Đại học Huế với 26,5 điểm (Văn 8, Lịch sử 9,75, Địa lý 8,75). Ít ai biết rằng, Hằng là thí sinh được tuyển thẳng vào đại học, nhưng em không dự tuyển mà vẫn đi thi như bao thí sinh khác.

Khi biết Hằng được tuyển thẳng nhưng em lại quyết định đi thi, dùng điểm thi của mình để bước vào ngưỡng cửa đại học khiến ai cũng bất ngờ. “Hằng có lý do chính đáng của mình. Mãi gần đây mình mới hiểu và càng thương bạn, nể bạn hơn…”, một người bạn thân của nữ sinh tâm sự.

Hằng chia sẻ với Báo Thanh Niên: “Chỉ đạt danh hiệu thủ khoa mới giúp em có học bổng và tạo động lực để phấn đấu trong 4 năm học đại học. Kết quả tốt nhất sau khi tốt nghiệp ĐH sẽ giúp em có nhiều cơ hội trở về trường cũ để dạy học. Đó là lý do em không muốn vào đại học bằng suất tuyển thẳng”.

Cô gái nhỏ nhắn người xứ Quảng chia sẻ, em là con út trong gia đình nhà thuần nông có 5 anh chị em. Thời đi học, Hằng liên tục phải chuyển nơi ở, trường học và sống xa gia đình do hoàn cảnh khó khăn.

Ban đầu, em sống với cha mẹ ở quê nội Bình Tú (huyện Thăng Bình). Năm lớp 5 em được gửi lên nhà một người bà con ở thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn), 4 anh chị còn lại thì theo bố mẹ vào Vũng Tàu làm ăn. Lên lớp 6, Hằng mới được đoàn tụ gia đình, tuy nhiên, chẳng được bao lâu thì bố mất vì bệnh tim.

Nhờ một người thân giúp đỡ, mẹ Hằng về quê ngoại ở xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành) mua mảnh đất, dựng căn nhà nhỏ để 2 mẹ con trú ngụ. Khi đó, Hằng được gửi vào một ngôi chùa ở Phú Ninh, nương nhờ những bữa cơm chay để tiếp tục cắp sách đến trường.

Nữ sinh nghèo xứ Quảng từ chối suất tuyển thẳng, thi đỗ thủ khoa để có học bổng
Thành tích học tập xứng đáng giúp em được tuyển thẳng vào đại học. (Ảnh: Thanh Niên)

Đến khi Hằng thi đỗ vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, lại phải chuyển ra TP. Tam Kỳ thuê trọ học. Cuộc sống khó khăn nhưng em vẫn đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi và có hẳn “bộ sưu tập” bằng khen…

Năm lớp 12, ngay sau khi Hằng đoạt giải Nhì quốc gia môn Địa lý, biết nguyện vọng của con, bà Cúc (mẹ em) đã sớm ra Huế tìm kế sinh nhai, chuẩn bị cho con bước vào đại học. Tại đây, người mẹ sống nhờ nhà người quen ở phường Phú Hội (Huế) để bán tạp hóa mưu sinh và đón Hằng ra học.

Bà Cúc cho biết, bà mắc bệnh tiểu đường, tháng nào cũng lên bệnh viện khám, mua thuốc. Nhưng bà sẽ ở đây để nuôi con suốt 4 năm học và có điều kiện chữa trị bệnh.

Cũng trong hoàn cảnh khó khăn nhưng mang ý chí mãnh liệt vượt lên nghịch cảnh, Vi Thị Lệ – cô gái sinh ra trong gia đình nghèo tại vùng núi rừng Ba Bể (Bắc Kạn) đã trở thành nữ thủ khoa người dân tộc Tày.

Nữ sinh nghèo xứ Quảng từ chối suất tuyển thẳng, thi đỗ thủ khoa để có học bổng
Nữ sinh người dân tộc Tày bưng bê, dọn dẹp thuê… đỗ thủ khoa ngành Công tác xã hội. (Ảnh: Lao Động)

Lệ tâm sự với Báo Lao Động, từ những năm đầu cấp 3, em đã phải đi ở trọ gần trường để theo học và làm thêm trang trải cuộc sống. Lệ học tốt tất cả các môn dù phải làm rất nhiều công việc, từ bưng bê, dọn dẹp ở quán ăn đến đi bán hàng ở chợ…

Trong kỳ thi thi THPT quốc gia, em đạt 25,5 điểm tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) và trở thành thủ khoa trường Đại học Khoa học Thái Nguyên.

Khi nhập học, trong túi em vỏn vẹn có 1,5 triệu đồng – số tiền công làm thuê ứng trước của bố và bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ trở thành nhân viên ngành Công tác xã hội để có thể giúp đỡ những mảnh đời, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở quê hương.

An An