Chiều 30/5, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, bà và nhiều đại biểu Quốc hội cũng muốn chất vấn bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về vấn đề sách giáo khoa mới, trong đó có việc tăng giá sách.

Cụ thể, chiều cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục) cho biết bà đã ghi phiếu đề xuất chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại kỳ họp thứ 3 về vấn đề sách giáo khoa mới, trong đó có tăng giá sách và việc thực hiện nội dung chương trình theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.

Bà nói bản thân tin rằng không chỉ cá nhân mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng muốn chất vấn bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về vấn đề này vì đây là vấn đề đang được dư luận, cử tri rất quan tâm.

Thời điểm diễn ra kỳ họp Quốc hội thứ 3 cũng trùng với thời gian năm học cũ kết thúc, học sinh sẽ có mùa hè để chuẩn bị cho năm học mới. Do đó, mọi sự điều chỉnh nếu có của Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ rất hợp lý để năm học mới bớt được những điều nhân dân chưa yên tâm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho hay ông cũng đã ghi phiếu đề xuất chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại kỳ họp thứ 3 về vấn đề tăng giá sách giáo khoa, dù trước đó bộ trưởng đã trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2.

Lý do được ông Hòa đưa ra là do đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Tuy nhiên, ông nói đây mới là đề xuất của các đại biểu, còn việc lựa chọn các nhóm vấn đề để chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp sẽ do Quốc hội quyết định.

Trước đó, như đã thông tin, sáng 25/5, tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã lý giải về giá sách giáo khoa mới đắt hơn ít nhất 2-3 lần so với sách hiện hành do “khổ to, giấy đẹp”. Tuy nhiên, theo báo Thanh Niên đưa tin, lý giải từ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chưa thuyết phục được người dân, trái lại giải thích này đang vấp phải phản ứng của rất nhiều bạn đọc, phụ huynh.

Cùng đọc hàng loạt những bình luận của người dân xung quanh giải thích này của Bộ trưởng: “Tôi nghĩ giá trị cuốn sách không nằm ở khổ to giấy tốt. Tôi cũng không cần khổ to, giấy tốt làm gì. Tôi chỉ cần kiến thức trong sách giáo khoa có giúp được gì cho con em trong cuộc sống và sang năm cháu sau có dùng được sách này hay không mà thôi”, một bạn đọc bình luận.

Chất lượng sách giáo khoa nằm trong kiến thức truyền tải, trong chương trình giảng dạy, kỹ thuật biên soạn phù hợp từng cấp học. Không phải trong các yếu tố “khổ to, giấy tốt”.

Bạn đọc khác thì cho rằng: “Đẹp làm gì? Chất lượng bên trong mới là trọng tâm”.

Ở khía cạnh khác, sách khổ to còn khiến phụ huynh lo ngại con họ, đặc biệt là các bé ở lứa tuổi tiểu học. sẽ phải “gù lưng” cõng cặp sách đến trường.

Và bạn đọc khác cũng cho biết, lúc trước 1 bộ sách có thể để lại ít nhất 1-2 người học sau dùng và giá 1 bộ sách tầm 100-200.000đ. Nhưng nay 1 bộ sách của lớp cải cách hơn 500.000đ mà chỉ dùng được 1 năm học đó, không thể để lại cho các em năm sau. Những gia đình khó khăn dù được miễn giảm học phí nhưng những khoản tiền cho sách vở, đồng phục, hoạt động lễ tết… thật sự còn nặng hơn gấp nhiều lần so với tiền học phí.

Có thể bạn quan tâm: