Bão số 9 (Usagi) có đường đi, thời điểm xuất hiện gần giống bão số 12 Damrey (năm 2017), nhưng lượng mưa sẽ lớn hơn, vùng ảnh hưởng lâu và rộng hơn. Dự báo đêm 24/11, bão sẽ đổ bộ vào đất liền, người dân Nam Trung Bộ đã lên phương án đối phó với cơn bão này.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cơn bão số 9 (Usagi) đang tiếp tục mạnh lên. Hồi 10 giờ sáng 23/11, vị trí tâm bão cách đảo Phú Quý khoảng 360 km, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 370 km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 560 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/h), giật cấp 11.
Đến sáng 24/11, tâm bão cách Phan Rang khoảng 150 km, cách đảo Phú Quý 80 km với sức gió tối đa 100 km/h (cấp 10). Sau đó, bão di chuyển theo hướng Tây, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với sức gió đạt cấp 8 (75 km/h) rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía Tây vùng biển giữa và Nam Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; biển động dữ dội.

Theo VnExpress, bão Usagi có đường đi, thời điểm xuất hiện gần giống bão số 12 Damrey năm 2017, nhưng lượng mưa sẽ lớn hơn, vùng ảnh hưởng của gió mạnh cấp 10, lâu và rộng hơn.
Theo thống kê của Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, bão số 12 Damrey khiến gần 90 người chết, 18 người mất tích và 174 người bị thương. Khánh Hòa là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 37 người chết; gần 1.000 nhà đổ sập hoàn toàn, gần 98.000 căn bị tốc mái, hư hỏng. Tổng thiệt hại vật chất hơn 7.000 tỷ đồng. |
Từ chiều nay đến 26/11, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500 mm); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ mưa to (100-200 mm). Vùng biển từ Quảng Trị – Bình Thuận có gió mạnh cấp 9-10, giật tăng hai cấp. Sóng biển vùng gần tâm cao 5-7 m, vùng gần bờ 3-5 m.
Ngoài ra, một đợt lũ lớn cũng xuất hiện trên hệ thống sông từ Quảng Trị – Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, mưa lớn kết hợp với triều cường, nguy cơ ngập lụt ở hạ lưu sông Cửu Long. Người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị…
Ông Nguyễn Văn Hưởng – đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đưa ra các nhận định trên Báo Dân Trí về diễn biến cơn bão.
Khi bão số 9 vào đất liền khả năng sẽ tương tác với không khí lạnh yếu đi và bị đẩy trôi xuống phía Nam. Kịch bản xấu nhất, bão dịch chuyển đến khu vực từ Bình Thuận đến Bà Rịa – Vũng Tàu, gây gió mạnh cấp 6-7. Nhưng khả năng là dịch chuyển sang hướng Nam.

Trước diễn biến khó lường của bão số 9, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoặc kêu gọi về nơi tránh trú an toàn. Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, lên phương án sơ tán, di dời dân cư, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm.
Từ 13h chiều nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. HCM sẽ có lệnh cấm biển. UBND tỉnh Khánh Hòa cho học sinh trong toàn tỉnh sẽ nghỉ học từ chiều 23/11-25/11 để tránh bão.
Hiện nay, 237 tàu thuyền tỉnh Phú Yên đã vào bờ an toàn. Tại khu vực nuôi thủy sản, các chủ bè gia cố, chằng chống, hạ lồng nuôi để tránh sóng gió.
“Thủ phủ” tôm hùm Sông Cầu là nơi có nguy cơ ảnh hưởng nặng do bão số 9. Tại đây, đang có trên 4.000 hộ nuôi thủy sản với hơn 25.700 lồng ươm giống và 55.315 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm. Vào tháng 11/2017, cơn bão số 12 đã khiến hàng nghìn lồng tôm bị đánh vỡ tan hoang, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Hầu hết người nuôi lâm cảnh trắng tay, kiệt quệ.

Tại các tỉnh có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn như miền núi miền Trung, Tây Nguyên, địa phương đang di dời dân cư, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục chính.
Minh Tú (Tổng hợp)