Vay gần 15,8 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép, ông Phạm Trí Thức ở Quảng Ngãi, chủ tàu từng đoạt cúp vàng thủy sản không thể ngờ 6 năm sau mình bị mất cả tàu lẫn nhà, theo VnExpress.

Giữa tháng ba, ông Thức (thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ) nhận được thông báo cưỡng chế của Chi cục thi hành án dân sự TP. Quảng Ngãi, sẽ kê biên ngôi nhà 122 m2 của gia đình do ông không thể trả nợ khoản vay 15,8 tỷ đồng. Đây là số tiền trước đó ông vay ngân hàng để đóng con tàu vỏ thép trị giá 16,6 tỷ đồng, đã được ngân hàng bán đấu giá chưa đến 2 tỷ đồng.

Ông Thức là một trong những ngư dân nổi tiếng ở xã Tịnh Kỳ với kinh nghiệm hơn 30 năm đi biển. Ông từng được Bộ Tư lệnh biên phòng tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp biển đảo, là ngư dân duy nhất của miền Trung đoạt cúp vàng Thủy sản Việt Nam năm 2012. Lúc ấy, ông chủ tàu cao lớn, phong độ thường xuất hiện trên mặt báo với ba con tàu gỗ 1.000 mã lực, thu tiền tỷ mỗi năm và một “bảng vàng” thành tích.

Năm 2014, Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển. Các ngư dân tiêu biểu như ông Thức được khuyến khích đóng tàu vỏ thép hiện đại với phương châm “vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Thế nhưng, mọi chuyện không suôn sẻ như ông hình dung.

Sau một năm vay vốn đóng tàu vỏ thép, năm 2017 tàu ra khơi. Năm đầu tiên, thuyền viên chưa quen tàu vỏ thép nên đánh bắt không hiệu quả, nhưng chủ tàu phải trả lương gấp đôi.

Đầu 2018, ông Thức nợ quá hạn nên bị Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi khởi kiện lần đầu. Hai bên sau đó hòa giải, phía ngân hàng rút đơn kiện do thấy ông có thiện chí trả nợ. Đến tháng 11, ngân hàng tiếp tục cho ông vay vốn lưu động để mua ngư lưới cụ.

Đến cuối năm đó, tàu của ông gặp lốc xoáy, bị mất 158 tấm lưới, thiệt hại hai tỷ đồng. Chủ tàu cho rằng, có xác nhận của cơ quan chức năng về thiệt hại này nhưng cơ quan bảo hiểm không chi trả. Còn ngân hàng không tạo điều kiện để ông khắc phục hậu quả, nên tàu nằm bờ, gây thất thu, dẫn đến nợ quá hạn không có khả năng trả.

Bị ngân hàng khởi kiện lần thứ hai vào năm 2019, ông Thức đã gửi đơn cứu xét đến nhiều nơi. Trong đơn, ông cho rằng Nghị định 67 quy định “con tàu là tài sản thế chấp”, nhưng ngân hàng ràng buộc ông phải thế chấp quyền sử dụng đất. Ngoài ra, nghị định này có quy định, khi tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, ngân hàng nên cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoản vay…

Kiến nghị bất thành, năm 2021, con tàu vỏ thép 16,6 tỷ đồng đã được bán đấu giá mà không cần có chữ ký của ông Thức. Bởi theo hợp đồng cho vay, ngân hàng có quyền bán tàu khi người chủ không trả nợ đúng hạn.

Vay vốn đóng mới tàu vỏ thép là một sai lầm

Tương tự, tàu cá vỏ thép QNg 909.99 của ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) hạ thủy năm 2016 hoạt động được một thời gian ngắn, đến tháng 3/2018 ông Hân cho tàu neo bờ vì đánh bắt không hiệu quả, máy móc liên tục hư hỏng…

Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ.

Hiện tại, tàu cá QNg 909.99 được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 2 tỷ đồng nhưng không có người đăng ký tham gia đấu giá. 

Ông Hân chia sẻ, việc vay vốn đóng mới tàu vỏ thép là một sai lầm. Những năm sau đó, tàu gặp nhiều trục trặc, máy móc hư hỏng, nhất là bộ phận thủy lực, nhiều lúc tự sửa để ra khơi mong “gỡ gạc” nhưng càng ra khơi càng lỗ.

“Tháng 3/2018, tàu phải nằm bờ vì tôi không còn khả năng để mua ngư cụ, sửa chữa tàu để ra khơi. Số tiền hơn 13 tỷ vay đóng tàu, gia đình cũng không biết làm sao trả. Giờ ngân hàng họ kiện ra tòa, quá khổ” – ông Hân nói với TTXVN.

Theo Thống kê của Chi cục bảo vệ nguồn lợi Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 62 tàu vay vốn theo Nghị định 67, trong đó có 11 tàu thép; 80% hoạt động không hiệu quả do tàu hay bị trục trặc, hư hỏng…

Có thể bạn quan tâm: