Liên quan đến vụ ‘giải cứu’ 17 con hổ nuôi bị nhốt trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) vào ngày 4/8, theo lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, hiện kinh phí phải chi trả cho đơn vị nuôi 9 con hổ còn sống là rất cao lên tới 20 triệu đồng/ngày tốn 600 triệu đồng/tháng.

Theo Dân Trí, cụ thể, chi phí nuôi dưỡng đối với 9 con hổ ở Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm bao gồm tiền ăn, công chăm sóc khoảng 20 triệu đồng/ngày, tức mỗi con hổ cần chi phí trung bình là 2,2 triệu đồng/ngày.

Số tiền này có thể khiến nhiều người cảm thấy “choáng váng”, vì không biết một con hổ ăn những gì mà tốn nhiều như vậy.

Theo chia sẻ của ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, 9 con hổ còn sống hiện đang được chăm sóc theo đúng chế độ về duy trì, chăn nuôi động vật hoang dã tại vườn thú, khu sinh thái, dựa theo Quyết định số 29/2008/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Quyết định này nêu rõ một con Hổ Amur (hay còn gọi là hổ Siberi) được đáp ứng trung bình 6kg thịt bò loại 1, 1kg sườn lợn, 0.5kg tim gan cùng các khẩu phần đi kèm như muối, nước, thuốc thú y…

Trong trường hợp không có thịt bò loại 1, người nuôi có thể thay thế bằng thịt gà, thỏ, dê, cừu, lợn… theo đúng tỷ lệ đã quy định của mỗi loại thức ăn.

Mỗi tháng tốn gần 600 triệu để nuôi vật chứng

PLO đưa tin, trả lời báo chí, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Mỗi ngày chi phí ăn uống, chăm sóc chín con hổ còn sống khoảng 20 triệu đồng, vị chi mỗi tháng ngốn gần 600 triệu đồng. Các cá thể sống hiện chưa có đơn vị nào nhận nuôi.

Ảnh chụp màn hình Dân Trí.

Ông Trần Văn Hải, Phó Giám đốc Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, cho biết: “Chúng tôi không tự đòi hỏi và đưa ra kinh phí nuôi chín con hổ. Kinh phí đã có các quy định cụ thể của Nhà nước rồi. Hiện chín con hổ đang có xu hướng phát triển tốt và thích nghi môi trường mới. Tiền đầu tư vào cơ sở vật chất vườn thú rất lớn và tiền thức ăn cũng rất nhiều”.

Ông Hải cũng cho biết ngoài chín con hổ vật chứng vụ án công an đang gửi nuôi thì hiện Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm cũng đang nuôi 35 con hổ.

“Với cơ sở vật chất và đội ngũ công nhân hiện tại của vườn thú, Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm cũng có thể tiếp nhận nuôi chín con hổ bình thường. Dự kiến nếu các đơn vị khác không tiếp nhận thì chúng tôi cũng có thể tiếp nhận nuôi được” – ông Hải nói.

Tiền lo cho chín con hổ do ngân sách chi trả

TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật Hình sự – Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định như vậy, đồng thời phân tích: Chín cá thể hổ sống được giải cứu cùng tám con hổ đã chết là vật chứng của vụ án. Do đó, việc xử lý chín con hổ được xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng về vật chứng.

Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ.

Theo điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định, phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

“Như vậy, sau khi có kết luận giám định, Công an tỉnh Nghệ An chuyển giao cho cơ quan kiểm lâm tỉnh Nghệ An xử lý chín con hổ còn sống theo quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Vì chín con hổ là chứng cứ của vụ án nên chi phí tạm thời nuôi chúng sẽ do ngân sách nhà nước chi trả. Khi cơ quan tố tụng chuyển giao cho cơ quan kiểm lâm thì cơ quan kiểm lâm sẽ chi trả việc xử lý theo pháp luật các con hổ” – TS Phan Anh Tuấn nói.

Đồng tình, một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã phân tích thêm: Hổ Đông Dương là loài hổ bản địa của Việt Nam được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở cấp độ cao nhất. Hổ Đông Dương được liệt kê trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019) và Nghị định 06/2019.

Mọi hành vi săn bắt, tàng trữ, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể hoặc sản phẩm của cá thể hổ Đông Dương sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án lên đến 15 năm tù.

Có thể bạn quan tâm: