Ngành chức năng mới đây đã công bố kết quả bước đầu về nguyên nhân khiến gần 430 tấn cá nuôi lồng bè bè tại TP. Châu Đốc và H.An Phú (An Giang) chết bất thường.
Thanh Niên đưa tin, Tin từ Chi cục thủy sản An Giang, qua thống kê, đến chiều ngày 17/5, đã có gần 430 tấn cá các loại như: cá lăng đuôi đỏ, cá he, cá mè vinh, cá ba sa, điêu hồng của trên 50 hộ dân nuôi cá bè trên sông Hậu thuộc H.An Phú và TP. Châu Đốc bị chết chưa rõ nguyên nhân.
Thống kê của ngành chức năng tỉnh An Giang, trong tổng sản lượng cá chết gần 430 tấn, P.Vĩnh Ngươn (TP. Châu Đốc) có 201 tấn thuộc 95 lồng bè của 39 hộ nuôi. H.An Phú có khoảng 227,4 tấn thuộc 56 lồng bè của 14 hộ nuôi.
Theo kết quả xét nghiệm ngày 16/5 của Chi cục Thú y Vùng VII, trên các mẫu cá thu từ vùng nuôi cá lồng bè xảy ra sự cố cá chết tại P.Vĩnh Ngươn không phát hiện các loại bệnh nguy hiểm gây chết cá.
Sở TN-MT An Giang đã tiến hành ngay việc thu mẫu nước, thủy sinh vật ở khu vực cá chết tại xã Vĩnh Hội Đông (H.An Phú) và P.Vĩnh Nguơn (TP.Châu Đốc) để phân tích lý hóa nước (36 chỉ tiêu), thủy sinh vật (định tính, định lượng).
Đến ngày 16/5 đã có kết quả của 17 chỉ tiêu lý hóa. Cụ thể, tại khu vực xã Vĩnh Hội Đông, H.An Phú có 6/17 thông số quan trắc về: DO, TSS, COD, Amoni (NH4+ tính theo N), Phosphat (PO43- tính theo P), Fe vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Tương tự, tại khu vực P.Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc có 7/17 thông số quan trắc về: DO, TSS, COD, Amoni (NH4+ tính theo N), Nitrit (NO2– tính theo N), Phosphat (PO43- tính theo P), Fe chưa đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Sở TN-MT An Giang nhận xét, chất lượng nước tại H.An Phú và TP. Châu Đốc thời điểm lấy mẫu cho thấy: chất rắn lơ lửng, sắt, chất hữu cơ, nitơ, phosphat, oxy hòa tan trong nước thấp. Không có kim loại nặng và dầu mỡ trong môi trường nước khu vực quan trắc.
Theo Sở TN-MT An Giang, trong môi trường nước khi hàm lượng chất rắn lơ lửng nhiều, chất hữu cơ cao, oxy trong nước thấp, sắt cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cá, có thể gây bất lợi cho quá trình trao đổi khí qua mang cá.

Liên quan đến việc gần 430 tấn cá nuôi lồng bè bè tại TP. Châu Đốc và H.An Phú (An Giang) bị chết hàng loạt, người thiệt hại nặng nhất là bà Huỳnh Thị Thanh Vân (còn gọi là Bé Chín, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú).
Bà Bé Chín vẫn nhớ như in thời khắc xảy ra vụ cá chết hàng loạt tại nhiều bè cá của bà. Cụ thể, khoảng 12h ngày 12/5, trong lúc gia đình bà vừa ăn cơm xong thì hàng loạt cá chết ồ ạt “nổi bụng” trắng bè. Ngay lúc này, cả gia đình đã nháo nhào xúm nhau lặn, hụp để vớt cá chết đưa lên bờ, vì để lâu thì những con cá khác sẽ bị nhớt cá chết làm chết theo.
“Nước vẫn chạy nhưng cá vẫn nhào ra lật ngược, lật ngược chết trắng bè. Gia đình tôi huy động hơn 60 người vớt cá chết suốt 3 đêm liên tiếp không ngừng nghỉ nhưng không thể nào vớt cá chết kịp. Hết bè này tới bè khác, cá chết liên tục. Đến ngày 16/5 mới giảm bớt và hiện nay đã giảm nhiều. Hơn 30 năm làm nghề nuôi cá, tôi chưa bao giờ thấy cảnh cá chết trắng bè như hiện nay. Thậm chí cá chết mà cho người ta cũng chê” – bà Bé Chín nói trên báo Tuổi Trẻ.
Gia đình bà Bé Chín nuôi được 9 bè cá các loại. Đến nay, gia đình bà Bé Chín đã bị thiệt hai trên 80 tấn cá gồm: cá hú, he và mè vinh, ước trên 4 tỉ đồng. Bà Chín cho rằng việc thay đổi nước thì cá chết vài tấn là chuyện bình thường đối với bà. Tuy nhiên, lần này hàng trăm tấn cá của làng bè Châu Đốc là chuyện bất thường. Hiện nay, để cứu số cá con lại trong bè, bà đã “bấm bụng” phải di chuyển 4 bè đi nơi khác. Còn lại 5 bè cá đã không còn nguy hiểm nên giữ nguyên tại vị trí. Tuy nhiên, việc di dời bè ít gì cũng tốn trên 100 triệu đồng/bè cá (gồm chi phí vận chuyển, nhân công).
“Tôi đau lòng chính là đàn cá hú của gia đình tôi đã hứa bán cho thương lái vào ngày 16-5 tới, sẽ bán với giá 45.000 đồng/kg thì “đùng một cái” cả đàn cá bị chết mấy chục tấn vào ngày 12-5. Tôi nhìn con cá mà khóc sưng hết cặp mắt. Kiểu này giống như giết gia đình tôi rồi”, bà Bé Chín khóc nghẹn nói.
Một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho biết, UBND tỉnh đã có đề án sắp xếp lồng, bè cá trên hai nhánh sông Hậu, sông Tiền cho phù hợp an toàn giao thông thủy nội địa, đảm bảo môi trường và đảm bảo nuôi an toàn. UBND tỉnh đã cấm không cho phát sinh mới các lồng, bè trên sông từ cuối năm 2021.
Có thể bạn quan tâm: