“Vì bản án sơ thẩm đã xét xử oan sai, chưa xem xét tài liệu chứng cứ và sự thật trong nội dung ghi âm cuộc nói chuyện giữa tôi với một số người trong ghi âm đã cung cấp cho luật sư của tôi, đã cung cấp cho HĐXX” là nội dung trong đơn kháng cáo của Hứa Thị Phấn được đọc công khai tại phiên phúc thẩm.
Theo Báo Giao Thông, ngày 22/10, TAND Cấp cao TP. HCM xét xử phúc thẩm Hứa Thị Phấn (71 tuổi) – nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ cùng đồng phạm về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Do bệnh nặng, Hứa Thị Phấn vắng mặt tại phiên toàn phúc thẩm, do đó HĐXX yêu cầu thư ký đọc công khai đơn kháng cáo của bị cáo. Ngoài ra, mọi ý kiến của Phấn sẽ được trình bày trong phần bào chữa của luật sư.
Trong đơn, Phấn cho rằng bản án sơ thẩm đã xét xử oan sai, chưa xem xét tài liệu chứng cứ và sự thật trong nội dung ghi âm cuộc nói chuyện giữa bị cáo và ông Nguyễn Hữu Luận, ông Phan Đăng Quan và ông Trịnh Thanh Cao (Công ty Phương Trang) trong USB mà bà giao cho luật sư và đã cung cấp HĐXX cấp sơ thẩm.
Theo bản án sơ thẩm ngày 31/5, bà Phấn bị tuyên phạt 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với bản án 17 năm tù do TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, bị cáo phải chấp hành 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn).
Ngoài ra, Phấn có trách nhiệm bồi thường số tiền 15.690 tỷ đồng về tội Cố ý làm trái, hơn 1.000 tỷ đồng về tội Lạm dụng tín nhiệm.
Sau phiên sơ thẩm, ngoài Hứa Thị Phấn Phấn, 11/28 bị cáo khác cũng làm đơn kháng cáo. Trong số 11 người kháng cáo, có 3 bị cáo kêu oan là Hứa Thị Phấn; Bùi Kim Loan (thư ký của Phấn) và Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (nguyên kế toán Trustbank chi nhánh Lam Giang).
16 người còn lại không kháng cáo, trong đó có cháu ruột của Phấn là Ngô Kim Huệ, cựu phó tổng giám đốc TrustBank và Hứa Thị Bích Hạnh.

Theo VnExpress, ngoài Hứa Thị Phấn, bị cáo Lâm Kim Thu (nguyên Phó Phòng kế toán TrustBank chi nhánh Sài Gòn) và Trần Điền Ngọc Hân (nguyên nhân viên kiểm ngân chi nhánh Sài Gòn) cũng vắng mặt không lý do.
Bị cáo Trần Sơn Nam (nguyên thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Trustbank) và Hoàng Văn Toàn khẳng định không kháng án, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt vì tuổi cao.
Với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) cũng vắng mặt tại ngày đầu phiên xử vì lý do sức khỏe. Luật sư bảo vệ cho Danh cho biết, thân chủ kháng cáo vì cho rằng bản án sơ thẩm gây thiệt hại đến quyền lợi của ông. Tuy nhiên, HĐXX đánh giá lý do trên không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, nên bác đơn kháng cáo của Danh.
Năm 2007, Hứa Thị Phấn đại diện nhóm Phú Mỹ (gồm Công ty đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 người trong gia đình) mua gần 85% cổ phần, giữ chức vụ cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị Ngân hàng TrustBank. Lợi dụng việc nắm quyền chi phối, Phấn đưa cháu gái Ngô Kim Huệ, em trai Hứa Xường vào làm chức Phó tổng; Hoàng Văn Toàn vào làm Chủ tịch HĐQT… rồi chỉ đạo hàng loạt hành vi trái pháp luật. Tính đến tháng 2/2012, ngân hàng lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 2.800 tỷ. Để chiếm đoạt tiền của TrustBank, bà Phấn chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cao gấp nhiều lần giá trị thật (154 tỷ đồng), mua bán lòng vòng sau đó bán lại cho Đại Tín hơn 1.256 tỷ đồng, bỏ túi hơn 1.105 tỷ. |
Bảo Hà (Tổng hợp)