Theo HĐXX, Hứa Thị Phấn là chủ mưu đã đề ra chủ trương, phân công cho các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 6.362 tỷ đồng nên án sơ thẩm xét xử bị cáo Phấn và đồng phạm là chính xác, không oan sai.

VnExpress đưa tin, ngày 2/11, sau gần hai tuần xét xử, TAND Cấp cao TP. HCM đã bác kháng cáo của Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín – TrustBank) cùng đồng phạm.

Theo đó, tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt bà Phấn 20 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp với bản án 17 năm tù do TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, đại gia Sáu Phấn phải chấp hành 30 năm tù – mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.

HĐXX nhận định Phấn đóng vai trò chủ mưu, lôi kéo người thân, nhân viên cấp dưới thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho TrustBank 6.362 tỷ đồng. Ngoài ra, chiếc USB và 48 trang tài liệu trao đổi giữa bà Phấn và lãnh đạo Công ty Phương Trang không có căn cứ xác định nguồn gốc nên không được xem là chứng cứ của vụ án.

Về trách nhiệm dân sự, Hứa Thị Phấn buộc phải bồi thường hơn 16.791 tỷ đồng cho CB Bank, gồm hơn 6.362 tỷ đồng tiền gốc và hơn 10.000 tỷ lãi phát sinh.

Bên cạnh đó, đồng phạm tích cực của bà Phấn là Bùi Thị Kim Loan lĩnh 28 năm tù, Ngô Kim Huệ 10 năm tù. Tòa cũng giữ mức án 2 năm tù (cho hưởng án treo) đến 10 năm tù đối với 24 bị cáo còn lại.

dai gia hua thi phan bi giu nguyen an tu 30 nam boi thuong hon 16000 ty dong
Các bị cáo trong đại án Hứa Thị Phấn. (Ảnh: VnExpress)

Trước đó, theo Báo Người Lao Động, bà Phấn nguyên là cố vấn cao cấp của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank, sau này là Ngân hàng Xây dựng – CB) đã lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ TrustBank để lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và thu chi tiền mặt, rồi chiếm đoạt 12.005 tỷ đồng phục vụ cho lợi ích ích cá nhân của mình.

Bà Phấn chỉ đạo đồng phạm nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ khoảng 154 tỷ đồng lên đến 1.260 tỷ đồng để bán cho TrustBank, chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ đồng; hạch toán thu – chi khống, đẩy dư nợ khống cho Công ty CP Đầu tư Phương Trang (gọi tắt Công ty Phương Trang), gây thiệt hại cho TrustBank hơn 5.256 tỷ đồng.

Từ tháng 5/2010 đến tháng 2/2012, TrustBank Chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 83 khoản vay, hiện nay còn dư nợ 25.941 tỷ đồng (gồm 9.437 tỷ đồng dư nợ gốc và hơn 16.000 tỷ đồng dư nợ lãi).

Tuy nhiên, trong tổng số hơn 16.000 tỷ đồng mà TrustBank đã giải ngân trên sổ sách của 83 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Công ty Phương Trang chỉ nhận được 3.937 tỷ đồng nên chỉ chịu trách nhiệm thanh toán số tiền này; công ty không chấp nhận số dư nợ gốc 9.437 tỷ đồng nên TrustBank không thể đòi nợ.

Thế Tam (Tổng hợp)