Ngoài việc bị tố cáo bớt xén tiền của những giáo viên hợp đồng, ông Huỳnh Bê còn bị tố con trai đã nghỉ dạy 4 tháng vẫn được nhận lương.
Sau khi bị tố nhận hàng trăm triệu đồng chạy việc, ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã cáo ốm, gần cả tháng nay không lên trường làm việc.

Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Trường THCS Ngô Mây xác nhận, ông Huỳnh Bê nghỉ phép và đã hết hạn vào ngày 8/3. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Bê không lên trường làm việc.
Tuy nhiên, mặc dù không lên trường nhưng trong các văn bản, bảng kê lương ông Huỳnh Bê vẫn ký duyệt.
Ngoài việc tố ông Huỳnh Bê bớt xén lương, một số giáo viên Trường THCS Ngô Mây cung cấp, ông Huỳnh Trọng Quý (giáo viên bộ môn tin học) là con trai ruột của ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng trường này đã có đơn xin nghỉ dạy tạm thời từ tháng 11/2017.
Thế nhưng, từ tháng 11/2017 đến tháng 2/2018, ông Quý vẫn được nhận lương và có tên trong danh sách nhận lương của trường.
Cụ thể theo bảng lương tháng 11 và tháng 12/2017 (tức sau khi nghỉ dạy), ông Quý vẫn được kho bạc và nhà trường chi trả hơn 3,6 triệu đồng/tháng.
Còn từ tháng 1 đến tháng 2/2018, mỗi tháng ông Quý được nhận mức lương hơn 2,4 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản bảo hiểm theo quy định.
Ngoài ra, tại danh sách biên chế, quỹ tiền lương năm 2018 của Trường THCS Ngô Mây do Phòng Nội vụ Krông Pắk ký duyệt, tổng số tiền lương của ông Quý là 32.670.000 đồng.

Về vấn đề này, lãnh đạo Kho bạc huyện Krông Pắk cho biết, việc lập danh sách giáo viên hưởng lương do Trường THCS Ngô Mây lập, trình Phòng Nội vụ thẩm định, phê duyệt. Kho bạc chỉ căn cứ vào danh sách được phê duyệt để chi lương.
Vào chiều ngày 19/3, nhiều phóng viên báo chí đã tới Trường THCS Ngô Mây để tìm hiểu những thắc mắc của giáo viên. Tuy nhiên, các lãnh đạo đều không có mặt tại trường và báo bận “tiếp khách”, dù đang ngồi ở quán nước.

Liên quan đến vụ việc, ông Cao Văn Tư, Giám đốc kho bạc huyện Krông Pắk cho biết, sau khi các đơn vị gửi danh sách chi trả lương của nhân viên lên, phía kho bạc sẽ lập danh sách và gửi qua Phòng Nội vụ huyện thẩm định, phê duyệt. Sau khi được duyệt, kho bạc sẽ chuyển qua ngân hàng và ngân hàng sẽ thanh toán cho các đơn vị. Như vậy, việc giáo viên nghỉ dạy hay bị chấm dứt hợp đồng thì phía đơn vị phải báo cáo, gạch tên khỏi danh sách.
Ông Tư thông tin thêm: “Nếu các đơn vị không gạch tên, không thông báo thì chúng tôi cũng không biết và vẫn chi trả lương theo danh sách”.


Theo lãnh đạo Kho bạc huyện, việc Trường THCS Ngô Mây nhận “một cục” lương của giáo viên tại ngân hàng, lập 2 bảng lương là sai nguyên tắc tài chính.
“Công an huyện đã làm việc với kho bạc huyện để lấy số liệu, phục vụ công tác điều tra và chúng tôi đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ” – lãnh đạo Kho bạc huyện cho hay.
Thanh Thanh