Chưa thể xác định được chính xác thời gian hoàn thành, Việt Nam đã phải trả khoảng 152,7 tỷ đồng nợ gốc số tiền vay từ Trung Quốc để làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Theo VnExpress, Bộ Giao Thông Vận Tải vừa gửi văn bản hoả tốc xin ý kiến Thủ tướng việc đã đến hạn trả nợ gốc khoản vay lại của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí vốn để trả nợ vay ODA Trung Quốc trong giai đoạn xây dựng, điều này chỉ kết thúc khi bàn giao lại dự án cho  UBND TP. Hà Nội. Sau khi bàn giao, UBND TP. Hà Nội nhận nợ trực tiếp với phần vốn vay lại của dự án.

Tuy nhiên hiện nay chưa xác định chính xác thời gian hoàn thành, bàn giao cho UBND TP. Hà Nội. Ban quản lý dự án dự kiến phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại trong năm 2020 khoảng 152,7 tỷ đồng. Trước đó, Việt Nam cũng đã trả 398 tỷ đồng nợ gốc của khoản vay này. 

Ảnh chụp màn hình VnExpress.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, ban quản lý dự án cũng đề xuất phương án giãn nợ đến khi hoàn thành, bàn giao khoản vay cho UBND TP. Hà Nội hoặc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để tiếp tục trả nợ. Tuy nhiên, gia hạn thời gian trả nợ gốc có khó khăn trong quá trình hoàn thiện các thủ tục gửi cơ quan được ủy quyền cho vay lại. Trong khi đó, việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để bổ sung vối đối ứng bố trí trả nợ gốc cũng chưa phù hợp với kết luận của Kiểm toán Nhà nước. 

Hiệp định vay 250 triệu USD đã đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại. Do đó, cơ quan này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại. Trường hợp không được, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước để gỡ thủ tục trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của dự án.

Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các hiệp định vay đã ký. 

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13,5km, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó tăng lên 891,9 triệu USD, sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam. Dự án khởi công năm 2011, tới nay vẫn chậm tiến độ và chưa hẹn ngày đưa vào khai thác thương mại. Dù đang chậm tiến độ, nhưng sau tết dự án vẫn chưa thể tiếp tục thực hiện, do các chuyên gia Trung Quốc về nghỉ Tết Nguyên đán vẫn chưa sang được Việt Nam, vì ảnh hưởng của dịch virus corona.