Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa thông báo từ hôm nay (4/5) chính thức tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 3% so với giá hiện hành. Lãnh đạo EVN trấn an rằng việc tăng giá điện ở mức 3% chỉ giảm thiểu khó khăn cho EVN, chứ chưa thể giúp EVN bù đắp số lỗ lớn năm 2022.

Báo Dân Việt đưa tin, chiều 4/5, tại cuộc họp báo về việc tăng giá điện bán lẻ 3% (1.864,44 đồng lên mức 1.920,7 đồng) bắt đầu áp dụng từ ngày 4/5, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết mức tác động của 3% đối với nền kinh tế là không đáng kể.

Lãnh đạo EVN trấn an rằng việc tăng giá điện ở mức 3% chỉ giảm thiểu khó khăn cho EVN, chứ chưa thể giúp EVN bù đắp số lỗ lớn năm 2022, khoảng 1,1 tỷ đô la.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN, việc tăng giá điện 3%, ước tính doanh thu 8 tháng cuối năm của EVN là khoảng 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu khó khăn cho EVN.

Giá than, giá dầu và tỷ giá là những vấn đề gây sức ép nhất với giá thành sản xuất điện năm 2022. Cụ thể, năm 2022,  EVN bị lỗ hơn 26.000 tỷ đồng nên sức ép tăng giá điện đang ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Xuân Nam cho biết, năm 2022 là năm rất khó khăn của tập đoàn do bị lỗ rất lớn. Bản thân tập đoàn đã nỗ lực rất lớn để khắc phục khó khăn. Do khủng hoảng nhiên liệu đầu vào của thế giới năm 2022, gồm cả khí, than và dầu, chi phí đầu vào của EVN tăng rất cao. Trong đó, giá than có những giai đoạn tăng gấp 4 lần so với năm 2021, giá dầu tăng gấp đôi khiến chi phí sản xuất điện tăng rất mạnh.

EVN gặp vô vàn khó khăn khi chi phí mua điện từ các nhà máy từ nhiệt điện khí, nhiệt điện than nhập khẩu, nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc và các nhà máy năng lượng tái tạo.

Về tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI, lãnh đạo EVN cho biết, theo tính toán của Tổng cục Thống kê nếu giá điện bán lẻ tăng bình quân 5%, CPI sẽ tăng 0,17%; thực tế giá điện chỉ tăng 3% thấp hơn nhiều so với mức nghiên cứu tác động đến CPI, do đó tác động đối với nền kinh tế là không nhiều.