Theo bản tin của VnExpress, hơn 23.000 con gà, vịt ở Thanh Hóa và 6.800 con vịt ở Hà Nội đã bị tiêu hủy vì nhiễm cúm A/H5N6 – loại virus nguy hiểm có thể lây sang người.
Tối 10/2, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Thú y Hà Nội thông tin, ổ dịch được phát hiện cách đây một tuần tại đàn vịt thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Sơn (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ). Vịt ăn ít, sốt, đầu sưng, cổ nghẹo, bơi lòng vòng. Sau đó, dịch lan sang đàn vịt của ba hộ khác trong xã.
Thú y huyện Chương Mỹ đã tiêu hủy toàn bộ số vịt bị bệnh, lập chốt kiểm dịch, phun khử khuẩn và tiêm vaccine phòng bệnh cho toàn bộ gia cầm trong huyện.
Ông Sơn khuyến cáo cúm A/H5N6 có khả năng lây lan, gây bệnh cho người. Hộ chăn nuôi có gia cầm mắc cúm bị tiêu hủy đều được hỗ trợ theo đơn giá thị trường, vì thế khi thấy đàn có triệu chứng ốm, bỏ ăn cần báo ngay cho thú y xã.
Hà Nội có tổng đàn gia cầm lớn nhất cả nước với 34 triệu con. Cơ quan thú y thành phố dự kiến tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm vào tuần tới.
Trưa cùng ngày, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết tỉnh có hơn 23.000 gà, vịt nhiễm cúm A/H5N6.
Trước đó, hai ổ dịch cúm A/H5N6 được phát hiện tại Quảng Ninh, Nghệ An. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện gửi các địa phương về việc tập trung phòng chống dịch. Bộ nêu rõ năm 2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con.
Cúm A/H5N6 là chủng virus có độc lực cao, từng ghi nhận có người mắc và tử vong ở Trung Quốc.
Hiện đang có những nghi vấn về mối liên hệ giữa dịch cúm A/H5N6 ở Việt Nam và Trung Quốc. Theo bản tin của tờ Thế giới và Việt Nam (cơ quan của Bộ Ngoại giao), ngày 10/2, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc xác nhận dịch cúm gia cầm H5N6 đã bùng phát ở tỉnh Tứ Xuyên (phía Tây Nam nước này). Theo đó, Bộ này nêu: “Dịch cúm gia cầm H5N6 có nguy cơ lây lan cao đã xuất hiện ở một trang trại ở khu vực Tây Sung, huyện Nam Sung thuộc tỉnh Tứ Xuyên”. Trong số 2.487 con gia cầm ở đây có 1.840 con đã bị nhiễm H5N6 và chết. Tuy nhiên, cho đến nay chưa phát hiện trường hợp nào là bị nhiễm ở người.

Liên quan đến dịch cúm gia cầm, ngày 1/2 tờ Reuters dẫn thông tin từ truyền thông Trung Quốc cho hay, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc xác nhận dịch H5N1 đã bùng phát ở một trang trại ở thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Trang trại có 7.850 con gà thì 4.500 con chết vì nhiễm H5N1. Giới chức Thiệu Dương đã tiêu huỷ 17.828 con gia cầm.
Bùng phát dịch H5N1 ở Hồ Nam xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối phó với dịch virus corona Vũ Hán.
H5N1 là một phân nhóm có khả năng gây nhiễm cao của virus cúm gia cầm. Trong số 15 loài virus cúm gia cầm được biết đến, biến thể H5 được biết đến với khả năng lây lan qua người từ chim. Nếu virus cúm gà trải qua chuyển đổi kháng nguyên với một con virus cúm ở người, thì một loại biến thể mới tạo thành sẽ có khả năng lây lan vừa cao vừa rất nguy hiểm đối với con người. Một biến thể như vậy có thể gây ra một đại dịch toàn cầu, tương tự như cúm Tây Ban Nha đã làm chết hơn 20 triệu người trong năm 1918.
Chủng virus này lần đầu tiên được phát hiện xâm nhiễm trên người tại Hồng Kông năm 1997. Nhóm virus được cho là tác nhân gây dịch cúm trên gia cầm ở Hông Kông lúc đó. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm gia cầm H5N1 có khả năng lây nhiễm sang người thấp và nhưng khi đã lây, có thể gây tử vong ở người với tỉ lệ lên tới 60%.
Ở Việt Nam, tính từ năm 2003 đến năm 2013, đã có 124 trường hợp người nhiễm H5N1 và 62 người trong số đó đã tử vong.