Việc hình thành nhà máy gạch, khai thác khoáng sản gần Vườn quốc gia Tràm Chim gần 2 năm qua đã khiến nhiều hộ dân trồng lúa ở đây thiệt hại. Ngoài ra người dân phàn nàn vì tiếng ồn xe container chở gạch, xe ben chở đất hoạt động suốt ngày khiến con người còn muốn điên đầu chứ nói chi chim cò ở vườn quốc gia.
Báo VnExpress đưa tin, ông Nguyễn Văn Tài, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, băng đồng thăm thửa ruộng 3.000m2 trồng nếp đang trổ bông, nằm gần nhà máy gạch của Công ty cổ phần bê tông Hà Thanh. Đây là lần thứ ba trong ngày ông ra đồng khi thấy ruộng nếp bị bệnh bất thường. Đám lúa hư hại nặng nhất ở gần nhà máy, lá cháy, hạt đen, biểu hiện lép hạt.
Sau nhiều ngày quan sát, ông Tài nghi ngờ ruộng nếp bị khói bụi của nhà máy bay sang ảnh hưởng quá trình thụ phấn. “Chỗ nào khói xoáy xuống chỗ đó liền bị bệnh”, người nông dân gần 50 tuổi nói. Trước tình trạng ruộng lúa bị thiệt hại, ông Tài gửi đơn đến chính quyền địa phương, nhờ phân xử. “Mùa rồi lúa hư hết nửa bông, vất vả ba tháng mới có hạt gạo, sao mà không xót”.
Hàng xóm của ông Tài, ông Nguyễn Minh Em cũng cho biết từ ngày nhà máy đi vào sản xuất, khói bụi nhiều khiến cây trái quanh nhà suy kiệt, không ra bông. Ngoài ra, việc nhà máy bỏ hoang nhiều thửa ruộng đã thu mua, chờ lấy đất sét làm gạch, khiến chuột sinh sôi, phá hại mùa màng.
“Họ mua hơn 60 ha đất ruộng, ai có đất liền kề không muốn cũng phải bán vì có làm ruộng được đâu”, ông Em nói. Gần đó, gia đình ông Tư Phấn cũng phàn nàn vì tiếng ồn nhất là xe container chở gạch, xe ben chở đất hoạt động suốt ngày. “Con người còn muốn điên đầu nói chi chim cò ở vườn quốc gia”, ông Phấn nói.

Ông Phùng Văn Út Ngoan, Bí thư kiêm Trưởng ấp K12, xã Phú Hiệp, cho biết vụ trước nhà máy phải bồi thường cho một nông dân vì làm hư hại ruộng lúa. Mùa này ông tiếp tục nhận đơn của người dân, đang chờ giải quyết. Trưởng ấp nói cách đây mấy tháng xe ben chở đất sét về nhà máy rơi vãi khiến đường bùn sình, bụi nhiều. Bị người dân phản ứng gay gắt, nhà máy phải ngưng.
Thiệt hại khi làm lúa gần nhà máy, nhà máy lại đề xuất xây cụm công nghiệp kề Vườn quốc gia Tràm Chim
Theo ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, người dân nhiều lần phản ánh đường xá lầy lội do xe chở đất của nhà máy gạch. Riêng việc nhà máy mua đất lúa của nông dân để khai thác khoáng sản, ông Nam thông tin dự án được tỉnh cấp phép, “tuân thủ quy định đấu thầu, đánh giá tác động môi trường”.
Nhà máy gạch của Công ty cổ phần bê tông Hà Thanh, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, hoàn thành hồi tháng 10/2020, được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, làm gạch với diện tích 25ha. Chủ doanh nghiệp sau đó đề xuất nâng dự án nhà máy lên cụm công nghiệp rộng 60ha. Vị trí cụm công nghiệp nằm trong vùng đệm, cách ranh Vườn quốc gia Tràm Chim 300-700m.

Đề nghị này bị một số chuyên gia, nhà khoa học phản đối bởi lo ngại tiếng ồn, khí và nước thải từ cụm công nghiệp ảnh hưởng hệ sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim – Ramar (khu bảo tồn ngập nước) thứ 2.000 của thế giới. TS Lê Phát Quới, Trung tâm Khoa học Môi trường và Sinh thái, cho biết nhà máy và cụm công nghiệp đang đề xuất nằm kế khu A5 của vườn – nơi sếu đầu đỏ hay về trú ngụ.
Thấy ống khói nhà máy nhả nghi ngút, con sếu nào dám về
Sau hơn 30 gắn bó với số lượng hàng nghìn con, ban quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim rộng hơn 7.500 ha, ghi nhận trong năm nay và trước đó 2020, đàn sếu đầu đỏ không về vườn kiếm ăn, trú ngụ như thông lệ hàng năm.

Theo TS Quới, khí thải từ sản xuất công nghiệp dù qua xử lý giảm ô nhiễm, song vẫn chứa những nguyên tố độc hại. “Thấy ống khói nhà máy nhả nghi ngút, con sếu nào dám về, chưa kể nguồn thức ăn của chúng như củ năng kim, ốc, cá cũng bị ảnh hưởng”, ông nói.
Vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim với diện tích rộng hơn 16.800 ha, nằm xung quanh vùng lõi, bao gồm 13 ấp thuộc 5 xã (Phú Thọ, Phú Thành B, Phú Hiệp, Phú Đức, Tân Công Sính) và hai khóm thuộc thị trấn Tràm Chim.
Cũng theo nguồn tin trên, TS Trần Triết, một chuyên gia về sếu cho hay, về mặt “kỹ thuật”, Việt Nam “không còn sếu”. Năm 2022, sếu có bay qua Việt Nam nhưng chiều chúng bay về Campuchia ngủ. Theo chuyên gia này, cách đây 7 năm trong nước phát hiện 11 con sếu bị bệnh, chỉ cứu được hai con. “Sếu bệnh và chết đồng loạt như vậy chứng tỏ môi trường đang có vấn đề. Kể cả sau này, thỉnh thoảng người dân vẫn tìm thấy sếu chết ở ruộng”, ông Triết nói.
Sếu đầu đỏ, loài chim đặc biệt quý hiếm có giá trị lớn trong văn hóa đời sống tinh thần của người dân Á Đông, được xem là chỉ thị môi trường thiên nhiên trong lành. Vùng đất ngập nước ở Đồng bằng sông Cửu Long là Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) và Phú Mỹ (tỉnh Kiên Giang) là điểm lui tới trú ngụ thường xuyên của loài chim quí hiếm này từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Việc chuyển đổi đồng cỏ ngập nước tự nhiên thành đất nuôi trồng thủy sản hay trồng lúa đã làm phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái, chuỗi thức ăn tự nhiên của sếu không còn khiến sếu không có cơ hội tồn tại.
Khó hiểu khi cấp phép cho nhà máy sản xuất gạch giữa cánh đồng lúa và gần khu bảo tồn thiên nhiên
Phản ứng về việc việc hình thành nhà máy gạch, khai thác khoáng sản gần Vườn quốc gia Tràm Chim khiến nhiều hộ dân trồng lúa ở đây thiệt hại. Bạn đọc trên báo VnExpress có tên vugiasecurity đặt câu hỏi. “Tại sao tỉnh này lại cấp phép cho nhà máy sản xuất gạch ở giữa cánh đồng lúa và gần với khu bảo tồn thiên nhiên thật khó hiểu?“.
Bạn Bụi Trần: Nhờ vậy chim cò mới không về ở và trở thành đồng không mông quạnh. Rồi tiếp tục kiến nghị lấn nền làm công ty, khu công nghiệp.
Hqphongvnm: Xây dựng nhà máy có khí thải cận vườn quốc gia khác nào muốn triệt tiêu động vật của vườn quốc gia này, ai đã ký cho xây dựng nhà máy như thế nên xem lại…vv.

Có thể bạn quan tâm: