Liên quan đến vụ “vợ bị đơn đòi nhảy lầu tại TAND TP.HCM”, sau khi hồ sơ vụ án được cấp giám đốc thẩm hủy án từ tháng 7/2020, đến nay vụ án vẫn chưa được cấp sơ thẩm xét xử trở lại, vì vậy các bị đơn tiếp tục khiếu nại, theo Thanh Niên.
Ngày 17/3, Chánh án TAND Q.Gò Vấp (TP.HCM) Trần Đăng Tân cho biết, vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Quý và 3 bị đơn Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, Khâu Văn Sĩ được TAND Q.Gò Vấp thụ lý lại vào ngày 31/8/2020 theo quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM.
Quá trình giải quyết, tòa nhận được văn bản của Viện KSND tối cao yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
Vì vậy, ngày 10/12/2020, TAND Q.Gò Vấp đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án trên và cho đến nay, TAND Q.Gò Vấp chưa nhận được kết quả giải quyết vụ án của Viện KSND tối cao nên chưa thể tiến hành thủ tục tố tụng theo quy định.
“Song, TAND Q.Gò Vấp đã có văn bản nhắc Viện KSND tối cao xem xét chuyển hồ sơ trở lại sớm nhất để tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thẩm quyền”, ông Tân nêu.
Trước đó, chiều 24/7/2020, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và sơ thẩm đối với tranh chấp dân sự 674m2 đất tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Quý và 3 bị đơn Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, Khâu Văn Sĩ.
Vụ án này từng gây xôn xao dư luận, bởi chiều 1/7/2020, sau khi TAND TP.HCM xử phúc thẩm, vợ bị đơn đòi nhảy lầu tại trụ sở TAND TP.HCM (vợ ông Dư – PV), nhưng được can ngăn kịp thời. Trong quá trình xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, vụ án trên gây nhiều tranh cãi trong cách áp dụng luật của HĐXX.
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, liên quan đến quá trình xét xử vụ án trên, Luật sư Trương Anh Tú (bảo vệ các bị đơn) nhìn nhận: “Trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, các bên chỉ tập trung đánh giá hình thức, nội dung, hiệu lực của hợp đồng. Nguyên đơn yêu cầu tòa tuyên “Hợp đồng vô hiệu”, bị đơn đề nghị tòa “Công nhận hợp đồng”, thực tế khi tuyên án tòa dùng Bộ luật dân sự để phân tích hợp đồng, chứ không phải áp dụng Luật Đất đai vốn là công cụ để phán xét về tranh chấp đất đai, nhưng HĐXX lại tuyên “Hợp đồng vô hiệu”. Rõ ràng, đây là điển hình của việc áp dụng pháp luật một cách méo mó, tùy tiện, cưỡng từ đoạt lý, để xử”.
Có thể bạn quan tâm: