Chuyên gia ngành luật khá bất ngờ với kháng nghị của TAND Tối cao về bản án tuyên 6 người cưa cây gỗ khô ở Kon Tum vô tội, bởi bản án phúc thẩm được đánh giá là thuyết phục, đúng pháp luật.

Ngày 1/8, 5 người gồm Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình (Đắk Hà, Kon Tum) và Phan Tiến Dũng (nguyên cán bộ rừng đặc dụng Đắk Uy, Kon Tum) đã nhận được kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND Tối cao, Báo Pháp Luật TP. HCM đưa tin.

TAND Tối cao đã đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum và giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm ngày 27/9/2017 của TAND huyện Đắk Hà, tức tuyên phạt 5 bị cáo này phạm tội Trộm cắp tài sản.

Theo Vietnamnet, tháng 4/2016, kiểm lâm Dũng cho 4 người dân là Khánh, Bảy, Bình,Thụ vào rừng đặc dụng Đắk Uy cưa cây gỗ trắc chết khô, lấy 1 lóng gỗ (khối lượng 0,123 m3) thì bị phát hiện.

Tháng 9/2016, TAND huyện Đắk Hà phạt 5 bị cáo 12-15 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3/2017, TAND tỉnh Kon Tum hủy bản án sơ thẩm, xử sơ thẩm lần hai vào tháng 9/2017. TAND huyện Đắk Hà vẫn phạt năm bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Ngày 1/6/2018, sau nhiều lần hoãn tòa vì các lý do khác nhau, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần hai, tuyên các bị cáo không phạm tội.

Đề nghị giám đốc thẩm vụ 5 người cưa cây gỗ khô ở Kon Tum: Bất ngờ sau đoạn kết có hậu
Các luật sư từng bào chữa trong vụ án. (Ảnh: Pháp Luật TP. HCM)

Trước thông tin bị kháng nghị, ông Bảy trao đổi với Người Lao Động, ông không nghĩ là tòa án tối cao lại kháng nghị bản án. Cứ nghĩ từ nay gia đình sẽ có được cuộc sống bình thường để lo làm ăn thì mọi thứ giờ lại đảo lộn.

Ông Khánh lại càng lo lắng hơn khi tất cả tài sản của gia đình đã bán đi để đi tìm công lý, rửa tiếng oan trộm cắp, chưa trả được nợ nay sắp phải ra tòa. Mà nỗi lo nhất của ông là các con lại phải mặc cảm bố mình mang tiếng xấu.

Không chỉ người trong cuộc, nhiều chuyên gia cũng bất ngờ về kháng nghị này. Luật sư Lê Văn Hoan, (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum đã tuyên các bị cáo không phạm tội là đúng người, đúng pháp luật và thể hiện sự nghiêm minh. Việc bản án bị TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm là rất lạ.

Đề nghị giám đốc thẩm vụ 5 người cưa cây gỗ khô ở Kon Tum: Bất ngờ sau đoạn kết có hậu
Ba chánh án của ba huyện thuộc tỉnh Kon Tum được điều về TAND tỉnh xét xử phúc thẩm. (Ảnh: Pháp Luật TP. HCM)

Theo ông Hoan, hành vi vào rừng cưa cây gỗ trắc đã chết của 5 người này là sai, nhưng không thể xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính. Đặc biệt, nhiều vụ vi phạm tương tự xảy ra tại khu rừng này trước và sau vụ án của các bị cáo, có vụ khối lượng, giá trị gỗ nhiều hơn nhưng không vụ nào bị xử lý hình sự.

Luât sư Hoan phân tích, trong lịch sử tố tụng chưa từng có vụ án nào cưa cây gỗ mà bị xét xử tội Trộm cắp tài sản như vụ án này. Có rất nhiều vụ án tương tự tại Bắc Kạn, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Quảng Nam… bị xử lý hình sự nhưng với tội danh Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng chứ không hề có vụ án nào bị xét xử tội Trộm cắp tài sản.

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Tối cao gần như không phân tích, lập luận mà chỉ dẫn lại nội dung vụ án rồi sau đó kết luận bản án phúc thẩm xử như vậy là không có căn cứ, Luật sư Hoan nhấn mạnh và cho rằng các cơ quan pháp luật cần xem xét một cách cẩn trọng vụ án này vì sinh mạng của 5 công dân và gia đình họ phụ thuộc vào tính công minh, khách quan của pháp luật.

Huyền Hương