Tại phiên chất vấn HĐND TP. Hà Nội hôm 9/12, Đại biểu Trịnh Xuân Quang nêu vấn đề trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát khi các khu đô thị đều đã có quy hoạch, thiết kế trạm xử lý nước thải nhưng thực tế đều thiếu hoặc đầu tư nhưng chưa đạt được hiệu quả. Đặc biệt, theo quy định nước thải phải được xử lý trước khi xả ra môi trường, nhưng hiện nước thải tại các khu đô thị vẫn đang xả thẳng ra môi trường, theo Thanh Niên.
Cũng tại phiên chất vấn, phó giám đốc phụ trách Sở TN-MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, năm 2022 cơ quan chức năng phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép, xử phạt 4 tỉ đồng.
Sở TN-MT đề nghị giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và môi trường đẩy nhanh xây dựng các dự án nước thải tập trung theo quy hoạch và hệ thống thu gom nước thải đảm bảo đấu nối. Đối với dự án tồn tại từ lâu thiếu quy hoạch xây dựng xử lý nước thải cần khẩn trương hoàn thiện.
Hiện có 8 dự án xử lý nước thải chưa triển khai thực hiện. Tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 28,8% lượng nước thải cần xử lý, thấp hơn so với mục tiêu phải đạt được đến năm 2020 là 60%.
TP đã bố trí vốn hơn 13.500 tỷ đồng giai đoạn 2021 – 2025 cho 39 dự án trạm xử lý nước thải và các công trình tiêu thoát nước song rất nhiều dự án triển khai chậm. Đơn cử, dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản.
Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải, nhưng đã phải điều chỉnh kéo dài tới năm 2025, thay vì năm 2021 như kế hoạch ban đầu.
Dự án đang triển khai 4 gói thầu, song tiến độ một số hạng mục rất chậm so với kế hoạch, chỉ đạt từ 19 – 40%.

Liên quan đến nội dung chất vấn tại kỳ họp HĐND về xử lý nước thải và thoát nước, ông Thanh thông tin, 4 tháng về làm Chủ tịch thành phố ông đã dự rất nhiều cuộc họp liên quan đến thực hiện quy hoạch chung xây dựng thủ đô (quy hoạch 1259). Thành phố đang xây dựng điều chỉnh quy hoạch trên và đây là cơ sở để giải quyết căn bản những vấn đề dân sinh bức xúc hiện nay, trong đó có thoát nước và xử lý nước thải.
“HĐND và cử tri cũng không quá khắt khe với chúng ta, vấn đề là chúng ta đã nói là phải chuẩn, đã hứa thì phải làm”, ông Thanh nói.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng thừa nhận có sự chậm trễ, buông lỏng quản lý với vấn đề xử lý nước thải, đặc biệt tại các làng nghề, trong khi đây là câu chuyện sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và con cháu sau này. Ông nhấn mạnh, quan điểm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân làm, chỗ nào không làm được thì nhà nước mới dùng đầu tư công, bởi nguồn lực có hạn. “Cứ mấy năm lại thay đổi luật một lần thì không nhà đầu tư nào theo được.
Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết, qua nắm bắt kiến nghị cử tri, UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo do một Phó chủ tịch thành phố làm trưởng ban để tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng mới 6 công viên; cải tạo chỉnh trang 5 công viên và cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa.
Đồng thời UBND thành phố đã chỉ đạo dừng bán vé vào cửa công viên Thống Nhất từ ngày 1/1/2023, hạ thấp hàng rào công viên để tạo không gian mở với khu vực đường Trần Nhân Tông và phố Nguyễn Đình Chiểu.
Có thể bạn quan tâm: