Một nữ công nhân đang nuôi con nhỏ cho biết, mình bị trừ 3 triệu đồng sau 10 ngày điều trị COVID-19, và không được trợ cấp do thiếu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Theo thông tin phản ánh trên trên báo VnExpress, nữ công nhân trên là chị Lê Thị Hà, công nhân tại KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Chị hà cho hay mình bị nhiễm COVID-19 hôm 27/2, phải nghỉ việc gần 10 ngày, dù khỏi COVID-19 đã hai tháng vẫn không được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0 điều trị tại nhà.
Trước đó, đầu tháng 3 khi chuẩn bị đi làm trở lại, cô tới Trạm Y tế xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên xin Giấy chứng nhận để thanh toán trợ cấp ốm đau. Song nhân viên y tế chỉ cấp giấy xác nhận hoàn thành điều trị cho F0, chứ không có giấy hưởng bảo hiểm.
Công nhân như Hà không biết sẽ nhận được bao nhiêu tiền trợ cấp ốm đau, chỉ biết lĩnh lương tháng 3 còn 7 triệu đồng, giảm 3 triệu. Hà quy ngay khoản tiền bị trừ bằng nửa năm ăn bán trú của con gái 4 tuổi đi mẫu giáo và bù đắp thu nhập bằng cách đăng ký tăng ca hai tiếng mỗi ngày.
Nếu không được hỗ trợ, Hà đành chịu, song băn khoăn khi đồng nghiệp cùng phân xưởng quê Bắc Ninh nhiễm COVID-19 được hưởng khoản tiền ốm đau từ BHXH. “Chỉ công nhân người Bắc Giang là không có”, Hà nói và cho hay phía công ty hướng dẫn giữ lại tất cả giấy tờ chứng minh là F0, để khi các cấp có hướng dẫn mới thì làm hồ sơ.
Hà chỉ là một trong số hàng nghìn công nhân… do thiếu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH
Hà chỉ là một trong số hàng nghìn công nhân nhiễm Covid-19 đến nay chưa được hưởng trợ cấp ốm đau do thiếu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Bắc Giang có 8 khu công nghiệp tập trung với hơn 200.000 công nhân làm việc. Sau Tết Nguyên đán, số lao động đi làm giảm khoảng 30.000 bởi là F0, phải điều trị tại nhà hoặc F1 phải cách ly.
“Cuối tháng 2, đầu tháng 3 công nhân ồ ạt nhiễm Covid-19 nhưng lại không thể xin được Giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH vì thời điểm đó các trạm y tế xã, phường chưa được hướng dẫn từ trên tỉnh xuống”, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden (KCN Quang Châu) cho biết.
Công ty Hosiden có gần 6.000 lao động và hơn 1.000 công nhân đã trở thành F0 sau Tết, đến nay phần lớn chưa được trợ cấp ốm đau do thiếu giấy tờ. Công nhân trực tiếp sản xuất sẽ bị khấu trừ vào thu nhập cho những ngày nghỉ ốm điều trị tại nhà. Hơn hai tháng trôi qua, họ lần lượt khỏi bệnh và đi làm trở lại song tiền hỗ trợ ốm đau vẫn chưa có.
Ông Tân lý giải, một số công nhân người Bắc Ninh làm việc tại nhà máy ở Bắc Giang đã được hưởng khoản tiền này bởi ngành y tế Bắc Ninh hướng dẫn trạm y tế cơ sở cấp giấy từ hồi tháng 3, còn phía Bắc Giang đến đầu tháng 4 chưa thấy.
Năm 2021, Hosiden từng là “tâm dịch” của Bắc Giang khi số ca nhiễm chiếm 25% toàn tỉnh, tỷ lệ lao động F1 chuyển thành F0 lên tới 55%. Khi đó, nguồn lực công ty dồn cho phòng chống dịch và hỗ trợ mỗi lao động F0 500.000 đồng. Sang năm nay, số công nhân nhiễm quá lớn trong khi chuẩn bị tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp chưa có điều kiện trích hỗ trợ lao động F0.
Ông Nguyễn Văn Huy, phụ trách nhân sự Công ty New Wing (KCN Vân Trung, Bắc Giang), phản ánh nhiều lao động F0 thắc mắc về Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, song công ty chỉ biết chờ hướng dẫn từ các cấp ngành bởi đây là tình trạng chung. Cuối tháng 2, doanh nghiệp này ghi nhận hơn 2.000 công nhân F0, chiếm tới 10% lực lượng lao động toàn công ty.
Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho biết “chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế”.
Trưởng Phòng Bảo hiểm xã hội mắc COVID cũng thấy bất cập khi làm giấy tờ để hưởng BHXH
Từng là F0 vừa điều trị xong, bà Nguyễn Thùy Phương, Trưởng Phòng Bảo hiểm xã hội ngắn hạn, Ban Thực hiện chính sách, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết bà cũng phải đi làm giấy tờ để hưởng bảo hiểm xã hội và nhận thấy có nhiều bất cập.
“Theo quy định, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cấp cho người điều trị ngoại trú nhưng nhiều người mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ, không bắt buộc phải đến cơ sở khám, chữa bệnh, kết quả dương tính xác nhận thông qua test nhanh hoặc phương pháp PCR.
Do không trực tiếp đến cơ sở y tế, các trường hợp F0 không được cấp giấy ngay tại thời điểm nghỉ ốm, mà thường sau khi điều trị khỏi bệnh mới đến trạm y tế xã, phường để xin giấy chứng nhận. Điều này dẫn đến ngày cấp ghi trên giấy bị lệch (cấp lùi lại) so với thời điểm người lao động bắt đầu nghỉ việc để điều trị, không đúng với quy định tại Thông tư 56 là giấy đó phải cấp trước hoặc trùng với thời gian lao động khám, chữa bệnh, ra viện hoặc nghỉ ốm. Đây là vướng mắc cần xem xét điều chỉnh,” bà Nguyễn Thùy Phương cho TTXVN hay.
Có thể bạn quan tâm: