Đường dưới dạ cầu Rạch Chiếc, TP. Thủ Đức bị đóng từ ngày 29/5 khiến xe ở gần khu vực vào trung tâm thành phố phải vòng qua trạm thu phí. Người dân phản ánh cách làm này đã xảy ra xung đột với dòng xe đi thẳng trên xa lộ Hà Nội gây ùn ứ giao thông. Một số người trong các khu dân cư gần đường song hành cho biết theo cách tổ chức giao thông mới, xe phải chạy vòng về trạm thu phí nên tốn thêm tiền vé.

Ghi nhận sáng 30/5 của báo Tuổi Trẻ, khoảng 10 nhân viên của chủ đầu tư trạm thu phí xa lộ Hà Nội phải xuống đường để phân luồng giao thông. Họ ra tín hiệu yêu cầu xe máy chạy thẳng, dừng lại hoặc chạy chậm để nhường đường cho ôtô băng ngang đường di chuyển vào các làn thu phí. 

Việc này khiến giao thông cả khu vực bị hỗn loạn.

Ảnh chụp màn hình VnExpress.

Anh Tuấn (ngụ khu dân cư Bắc Rạch Chiếc) cho biết hôm qua (29/5), chủ đầu tư trạm thu phí xa lộ Hà Nội tổ chức phân luồng giao thông, đặt bêtông dưới chân cầu Rạch Chiếc ngăn ôtô, xe máy chạy xuống đường dưới dạ cầu để vòng lên cầu Rạch Chiếc đi về hướng trung tâm TP.

“Biện pháp phân luồng mới buộc chúng tôi phải chạy vào đường Nguyễn Văn Bá rồi mới rẽ vào xa lộ Hà Nội. Khi vòng qua đường chính thì xảy ra xung đột với dòng xe đi thẳng trên xa lộ Hà Nội gây ùn ứ giao thông”, anh Tuấn bức xúc.

Ảnh chụp màn hình PLO.

Nhiều người dân ở khu vực Bắc Rạch Chiếc cũng phản ảnh nhà họ nằm sát trạm, theo cách đi cũ sẽ đi dưới dạ cầu Rạch Chiếc và quay xe lên cầu để đi vào TP, còn theo cách này họ phải đi qua trạm thu phí và tốn thêm tiền.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nam – phó giám đốc trạm thu phí xa lộ Hà Nội – cho biết việc phân luồng mới nhằm đảm bảo giao thông và thực hiện theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, TP. Thủ Đức.

“Hiện đường song hành phía bên trái (Công ty Ximăng Hà Tiên) đã hoàn thành đoạn từ cầu Rạch Chiếc tới đường Võ Văn Ngân, do đó chúng tôi cắm biển báo, đèn đường và tổ chức phân luồng. Còn đường song hành phía bên phải chưa xong nên phân luồng qua bên trái để phục vụ thi công.

Phía TP Thủ Đức chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, còn chúng tôi tổ chức thi công. Phần đường đi dưới dạ cầu là đường tạm sử dụng lúc chưa có đường song hành. Bây giờ có rồi nên sẽ không sử dụng nữa và bàn giao cho Ban quản lý tuyến đường sắt đô thị để trồng cây xanh vì đây là đất quy hoạch cây xanh.

Việc người dân khu vực này (khoảng vài chục hộ) phản ảnh chúng tôi có biết, nhưng mong bà con chia sẻ, có thể đi xa chút nhưng đảm bảo an toàn giao thông. Đường tạm trước đây xe vòng và quay lên cầu ngay dốc cầu rất nguy hiểm”, ông Nam nói.

BOT xa lộ Hà Nội thu phí từ đầu tháng 4/2021 để hoàn vốn cho dự án mở rộng tuyến đường này và đoạn quốc lộ 1 từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn (Bình Dương), tổng chiều dài khoảng 16km. Thời gian thu phí của dự án dự kiến trong 17 năm 9 tháng. Hiện, trạm miễn, giảm cho 11 nhóm phương tiện, gồm xe máy và các loại xe chuyên dùng như cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát… theo Thông tư 35.

Có thể bạn quan tâm: