Mới đây, tại TP. HCM một gã đàn ông lịch lãm đã giả danh cán bộ C45 thuộc Bộ Công an để lừa đảo người mua xe thanh lý.

Chiều 25/2, Công an TP. HCM cho biết, đang điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với đối tượng Lê Quang Long (sinh năm 1983, ngụ tỉnh Lâm Đồng).

Long đã giả danh đại úy công an – Đội phó Đội Cảnh sát hình sự (Cục Cảnh sát Hình sự C45) để giới thiệu mua ô tô thanh lý. Những người muốn mua xe phải đưa tiền trước cho Long thì mới được xem và nhận ô tô. Sau khi nhận tiền của những người bị hại, Long chiếm đoạt và bỏ trốn.

Trước đó, qua các mối quan hệ, Long biết anh V. (40 tuổi, ngụ Tân Bình) có nhu cầu mua xe thanh lý nên tìm cách tiếp cận. Long cho anh V. biết cơ quan đang thanh lý chiếc ô tô 7 chỗ hiệu Fortuner với giá 539 triệu, nếu anh V. cần thì Long sẽ làm đầu mối.

Tin tưởng, anh V. đưa Long 39 triệu đồng tiền cọc và thỏa thuận, khi nào nhận xe sẽ bàn giao số tiền còn lại. Long hẹn đến ngày 5/12 sẽ giao xe.

Do có kinh nghiệm mua xe thanh lý nên anh V. đã lần theo các mối quan hệ, dò hỏi chiếc xe mà Long nói đang bán thanh lý. Thông tin anh V. thu thập được là phía Cục C45 không có chiếc xe Fortuner nói trên và không có người đội phó nào mang tên Long. Biết mình bị lừa, anh V. đã báo cáo vụ việc cho Công an quận 5.

Ngày 5/12, đúng hẹn, Long mặc quân phục đến quán cà phê trên đường Trần Phú (phường 4, quận 5) gặp anh V. để nhận số tiền 500 triệu đồng còn lại. Khi Long vừa cầm tiền thì tổ cảnh sát hình sự đã ập vào bắt quả tang.

Tại cơ quan điều tra Long khai nhận toàn bộ hành vi của mình.

Long khai, trước khi lừa anh V., với kịch bản cũ, Long đã lừa một người đàn ông ở quận Tân Phú chiếm đoạt 550 triệu đồng. Số tiền chiếm đoạt được Long tiêu xài cá nhân hết. Công an quận 5 nghi ngờ Long còn thực hiện hành vi giả danh Công an lừa đảo nhiều nạn nhân khác nên lập hồ sơ mở rộng vụ án.

Việc giả danh cán bộ nhà nước để vụ lợi sẽ bị quy vào hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.

Trong trường hợp tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 2-50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội đó mà chưa được xóa án tích, thì sẽ bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 139 Bộ luật Hình sự) và phải chịu mức phạt tương ứng với hậu quả gây ra.

Theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất áp dụng với tội này là tù chung thân. Ngoài ra, kẻ phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Trong trường hợp tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng và không gây hậu quả nghiêm trọng, đối tượng chưa từng vi phạm hành chính về hành vi này, chưa bị kết án hoặc đã bị kết án về tội đó nhưng đã được xóa án tích, thì sẽ bị xử phạt hành chính (theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013), mức phạt lên tới 2 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng mạo danh nhằm mục đích vụ lợi, cần áp dụng nhiều biện pháp, ví dụ:

  • Xét xử lưu động hoặc công bố rộng rãi các vụ án đã xảy ra để răn đe nghiêm khắc, khiến kẻ xấu từ bỏ ý định.
  • Công bố rộng rãi các dấu hiệu nhận biết, phân biệt hành vi giả mạo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
  • Khi nghi ngờ các giao dịch với cán bộ nhà nước, công dân cần kiểm tra thông tin (chéo) với cơ quan, tổ chức, đơn vị cử người tới làm việc.

Mạnh Tiến (TH)