Nhìn vào báo cáo tài chính mới công bố của các doanh nghiệp Trung Quốc, có thể thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với những thách thức phía trước.
Theo hãng tin Reuters, doanh nghiệp điều hành công cụ tìm kiếm Baidu vừa ghi nhận quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết năm 2005. Một ông lớn công nghệ khác là Tencent cũng vừa có 1 quý mà doanh thu tăng trưởng thấp kỷ lục (16%) dù 2 mảng công nghệ tài chính (Fintech) và công nghệ đám mây khởi sắc. Trong khi đó, hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồ Alibaba tuy tăng trưởng tốt (doanh thu năm tài khóa 2019 tăng 39%) nhưng vẫn thấp hơn dự báo.
Không chỉ có vậy, số liệu được cơ quan thống kê Trung Quốc công bố tuần qua cho thấy sản lượng công nghiệp sụt giảm 3,4% trong 4 tháng đầu năm 2019.
Mùa hè năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội tại chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều, chưa kể đến áp lực ngày càng tăng từ phía đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ.
Trong báo cáo đánh giá các công ty trong chỉ số MSCI China Index, ngân hàng Morgan Stanley nhận định mặc dù một số công ty có kết quả kinh doanh tốt hơn dự đoán, tâm lý chung là rất thận trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang và các số liệu vĩ mô tháng 4 kém khả quan.
Thách thức đối với các doanh nghiệp tư nhân
Các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đều thuộc sở hữu của nhà nước, họ thích cho các doanh nghiệp nhà nước vay hơn. Do đó, các công ty tư nhân buộc phải tìm đến các nguồn vốn ít minh bạch hơn. Chiến dịch trấn áp hệ thống ngân hàng ngầm mà Trung Quốc triển khai đầu năm ngoái có mục đích là hạn chế bong bóng nợ phình to, nhưng lại có tác dụng phụ là khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó.
Tuy nhiên, vì thiếu thông tin, các ngân hàng vẫn rất khó xác định doanh nghiệp nào đáng tin cậy để cho vay. Thị trường tín dụng Trung Quốc vẫn chưa phát triển, và một số doanh nghiệp tư nhân sau khi nhận được khoản vay lại giở trò lừa đảo, không trả nợ cho nhà đầu tư kể cả khi đang có tiền. Do chưa có khung pháp lý, những công ty này thậm chí không bị phạt, dẫn đến hậu quả nhiều ngân hàng không dám mua trái phiếu do các doanh nghiệp tư nhân phát hành.
Trên thị trường tài chính Trung Quốc, các vụ lừa đảo không phải là hiếm. Ví dụ, hồi tháng 4, công ty dược Kangmei Pharmaceutical cho biết một “lỗi kế toán” đã khiến tiền mặt của công ty bị thổi phồng, tăng thêm 4,4 tỷ USD so với thực tế. Hôm 20/5, công ty này tiết lộ đã chuyển gần 8,9 tỷ Nhân dân tệ cho các tổ chức liên quan để giao dịch cổ phiếu của chính mình. Kangmei là 1 thành viên của MSCI’s China Index nhưng hiện công ty này vẫn chưa bị xử lý.
Cũng trong cuối tháng 4, tập đoàn vật liệu Kande Xin Composite cho biết trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I rằng 12,21 tỷ Nhân dân tệ tiền gửi ngân hàng đã “không có dấu vết”. Đầu năm nay, công ty đã không thanh toán được các khoản lãi đến hạn và vỡ nợ trái phiếu.
Trong mộc cuộc phỏng vấn vào tuần trước, nhà phân tích Thomas Gatley của Gavekal ở Bắc Kinh cho biết rủi ro gian lận là một vấn đề rất lớn ở thị trường Trung Quốc, và đây là lỗ hổng lớn và rất khó nhận biết trên bề mặt.
Với nền kinh tế do nhà nước kiểm soát như Trung Quốc, câu hỏi mà Gatley đặt ra là: sau cuộc khủng hoảng trước mắt, Bắc Kinh sẽ duy trì “áp lực” trong bao lâu.
Tuệ Minh