Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh do virus Corona, Bộ Y tế vừa có văn bản chính thức thể hiện quan điểm về việc lây nhiễm bệnh qua máy kiểm tra nồng độ cồn.
Tờ Pháp luật TP.HCM dẫn báo cáo của Bộ Y tế với Văn phòng Chính phủ cho biết, việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông có nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tương tự như với các hoạt động, công việc giao tiếp thông thường khác của người dân.
Do vậy, tại những thời điểm có dịch bệnh như hiện nay (đặc biệt là dịch bệnh do virus Corona), hoạt động kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở phải được thực hiện nghiêm ngặt đúng quy trình, yêu cầu.
Việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như dùng riêng ống thổi cho từng người, sát khuẩn thiết bị đo; CSGT cần tuân thủ đúng quy trình, thao tác và người dân làm đúng theo hướng dẫn sẽ giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm.
Trao đổi với PV báo Infonet về việc liệu có dừng việc kiểm tra nồng độ cồn để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho các tài xế cùng CSGT?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về ATGT cho biết, CSGT vẫn đang thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, cho đến khi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona có chỉ đạo mới.
Theo đó, quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, CSGT tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và người thi hành công vụ. CSGT phải bảo đảm vệ sinh tiệt trùng thiết bị đo. Mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần, sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của Bộ Y tế.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo
Liên quan đến vấn đề trên, theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi máy đo nồng độ cồn chỉ được 1 CSGT sử dụng trong 1 ca làm việc, và sử dụng mỗi ống thổi mới cho mỗi người được kiểm tra để ngăn lây lan virus corona.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng nhấn mạnh một số điểm mấu chốt như: Cảnh sát giao thông nên đeo khẩu trang y tế và được trang bị dung dịch rửa tay khô có cồn.
Bố trí để đảm bảo thiết bị kiểm tra nồng độ cồn được cầm và sử dụng bởi riêng 1 cảnh sát giao thông trong mỗi ca làm việc (để tránh lây chéo). Sát khuẩn thiết bị trước, trong và sau ca làm việc bằng dung dịch có cồn.
Chỉ sử dụng riêng 1 ống thổi mới, chưa qua sử dụng cho mỗi người được kiểm tra. Các ống thổi đã được sử dụng cần được thu gom và xử lý phù hợp.

Lấy khí thở vào bong bóng để đo nồng độ cồn
Một sáng kiến đến từ CSGT Sóc Trăng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus corona, các tài xế sẽ được đo nồng độ cồn bằng cách lấy khí thở vào bong bóng rồi mang đi kiểm tra.
“Đang có dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có corona nên chúng tôi đo nồng độ cồn thông qua việc yêu cầu tài xế thổi hơi vào bong bóng. Sau đó, chúng tôi sẽ truyền gián tiếp qua máy đo nồng độ cồn. Kết quả thổi trực tiếp và gián tiếp đều như nhau”, một CSGT giải thích cho tài xế.
“Nhiều ngày qua, gia cánh tài xế chúng tôi ai cũng lo sợ bị lây bệnh khi nhiều người cùng thổi vào một chiếc máy đo nồng độ cồn. Biết rằng ống thổi hơi mỗi người dùng xong là bỏ nhưng ai dám tin virus không còn trong máy”, tài xế T.Đ.H. (39 tuổi, ngụ TP. Sóc Trăng) nói ông thấy yên tâm hơn khi thổi hơi gián tiếp vào bong bóng.