Theo Tuổi trẻ online đưa tin về việc Đồng Nai đưa hơn 1.000 công nhân trở về hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, tối 31/7, UBND Bình Thuận có văn bản hỏa tốc gửi UBND Đồng Nai, đề nghị dừng việc này do chưa có sự thống nhất giữa hai tỉnh.
Theo công văn này, UBND tỉnh Bình Thuận không đồng ý việc cảnh sát giao thông công an tỉnh Đồng Nai dẫn đưa hơn 1000 người đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận trong ngày 31/7 bằng phương tiện xe máy và ô tô mà không có sự thỏa thuận từ trước giữa các cơ quan chức năng.

Mặc dù đi theo đoàn, nhưng nhiều người dân Bình Thuận khi đến địa phận tỉnh Bình Thuận đã tách ra để về quê là các địa phương trong tỉnh. Lãnh đạo Bình Thuận cho rằng việc dẫn đoàn thiếu tổ chức và phối hợp giữa các cơ quan liên quan giữa 2 tỉnh như trên sẽ gây nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Do lo ngại nhiều người dân không khai báo y tế và không thực hiện cách ly đầy đủ nên Bình Thuận đề nghị Đồng Nai dừng việc dẫn, đưa đoàn người về bằng xe máy và ngang qua tỉnh khi chưa có sự thỏa thuận, thống nhất giữa hai tỉnh.
Bình Thuận đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng cung cấp ngay toàn bộ danh sách người từ địa phương này về tỉnh Bình Thuận trước ngày 2/8.
Tuy nhiên, tối ngày 1/8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, việc dẫn đoàn này do hai địa phương Đồng Nai và Ninh Thuận phối hợp thực hiện. Khi ngang qua địa phận mình quản lý, cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Thuận chỉ hỗ trợ mặt an ninh trật tự.
Theo thỏa thuận trên, khi cảnh sát giao thông Đồng Nai dẫn đoàn ra đến đoạn giáp ranh này thì đến lượt cảnh sát giao thông Ninh Thuận dẫn đi tiếp tục đoạn đường còn lại.
Sau đó, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các huyện, thành phố truy tìm và báo cáo những công nhân đã trở về địa phương. Đồng thời có văn bản hỏa tốc gửi tỉnh Đồng Nai đề nghị phối hợp, cung cấp danh sách nhằm truy vết số công nhân trở về địa bàn để đưa đi cách ly theo quy định.
Bên cạnh đó trước khi đưa trên 200 công nhân quê Ninh Thuận về quê, TP Biên Hòa đã tổ chức xét nghiệm âm tính hết mới tổ chức đưa đi và không cho ghé bất cứ nơi đâu. “Khi ở Biên Hòa cho xuất phát, chở công nhân đi cũng đã báo cho cơ quan chức năng ở Ninh Thuận tiếp nhận” – ông Nguyên khẳng định.
Trả lời PV Tuổi Trẻ Online về sự việc trên, bà Nguyễn Thị Hoàng – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho biết: “Trong ngày tôi chỉ nghe anh em báo cáo đưa số công nhân Ninh Thuận trở về quê. Nếu đưa công nhân Bình Thuận trở về tỉnh họ, theo nguyên tắc Đồng Nai phải phối hợp với Bình Thuận chứ không thể làm như vậy. Tôi sẽ kiểm tra lại việc này”.
Có thể bạn quan tâm:
- Người nghèo ở Sài Gòn chật vật tìm kế sinh nhai đến kiệt sức trong đại dịch
- Báo cáo: Ba bệnh nhân Covid-19 người Việt hồi phục kỳ diệu nhờ niệm ‘9 chữ chân ngôn’
- Trong đại dịch, tình người quý hơn bất cứ vật chất nào: ‘Hoạn nạn mới thấu ân tình’
