Tôi thường photo và công chứng các giấy tờ quan trọng như giấy đăng ký xe, bằng lái, chứng minh thư… để tránh thất lạc. Vậy khi tham gia giao thông, nếu cảnh yêu cầu xuất trình thì số giấy tờ trên có hợp lệ không? (Kim Anh, Hòa Bình)
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ban hành ngày 16/2/2015, bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính, dùng để đối chiếu trong các giao dịch dân sự thông thường.
Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu rõ, trong quan hệ pháp luật hành chính nhà nước như việc kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe thì bản sao được chứng thực không dùng để thay thế bản chính; chưa kể trường hợp trong xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền còn được phép giữ giấy tờ (giấy tờ xe) của người vi phạm.
Với trường hợp trên, khi ra đường người dân cần phải mang bản chính giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe và xuất trình bản chính các loại giấy tờ này khi có yêu cầu kiểm tra theo quy định. Bản sao có chứng thực của các loại giấy tờ không có giá trị pháp lý trong trường hợp này. Nếu người bị kiểm tra không xuất trình được bản gốc, có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, ngày 15/8/2017, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã ký quyết định đồng ý cho người điều khiển được sử dụng bản sao chứng thực giấy đăng ký trong trường hợp phương tiện được mua bán dưới hình thức trả góp. Điều đó có nghĩa, khi tham gia giao thông mà chưa có giấy đăng ký (do đang trong giai đoạn thế chấp) người điều kiển có thể xuất trình bản sao công chứng kèm theo bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng trong thời gian bị giữ bản chính, nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện.
Huyền Hương