Từ ngày 12/12/2014, ngân hàng nào để máy rút tiền tự động (ATM) hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt lên đến 15 triệu đồng.

Vào dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm, thanh toán, chi lương thưởng… tăng mạnh. Đây là thời điểm người dân có nhu cầu rút tiền hoặc thực hiện các giao dịch qua ATM nhiều nhất. Tuy nhiên, đây cũng thời điểm ATM thường xuyên bị nghẽn mạng, sập mạng, gặp vấn đề về sự cố đường truyền, hết tiền… gây nhiều bức xúc cho người dân.

Để nâng cao chất lượng ATM, NHNN đã quy định từ ngày 12/12/2014, ngân hàng nào để máy giao dịch tự động (ATM) hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt lên đến 15 triệu đồng.

Ngoài ra, mức tiền phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng cũng được áp dụng đối với các hành vi như: để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy giao dịch tự động không đúng quy định; đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định để máy giao dịch tự động nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột; không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy giao dịch tự động; không duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng để khách hàng liên hệ bất cứ lúc nào…

Theo các chuyên gia tài chính, số tiền phạt đó chắc chắn ngân hàng đáp ứng được và không phải là cảnh cáo lớn đối với các ngân hàng.

Phạt 15 triệu, ngân hàng vẫn vi phạm

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban chấp hành Hội luật gia Hà Nội phát biểu quan điểm của mình trên báo ‘khám phá’ rằng: “ATM là để rút tiền. Ngân hàng đặt cây ATM, bán thẻ cho khách và thu phí nhưng khi khách tới rút tiền mà không có thì không được. Như thế là ngân hàng không thực hiện đúng cam kết với khách hàng. Công nhân ở các khu công nghiệp không phải ai cũng có thể giữa giờ ra ngoài rút tiền. Khi họ không rút được tiền để đóng học cho con hay thậm chí là tiền ăn thì ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống. Ngân hàng mà để như thế thì đáng bị phạt.”

Tuy nhiên, luật gia Vũ Xuân Tiền nhận định: “để quy định trên mang lại hiệu quả cần có cơ chế khắt khe hơn. Nếu chỉ phạt 15 triệu thì không đủ sức răn đe vì các ngân hàng vẫn cứ làm và sẵn sàng nộp phạt. Thêm vào đó, khó có thể xác định lúc đó ATM hết tiền hay bị lỗi. Nhiều khi cây ATM hết tiền nhưng lại báo lỗi do thao tác của người rút.”

Ủy viên Ban chấp hành Hội luật gia Hà Nội cho rằng lập đường dây nóng không mang lại hiệu quả. Nếu đường dây này để gọi cho Ngân hàng Nhà nước thì… “hòa cả làng”. Gọi cho cơ quan chủ quản cũng tương tự. Ông Tiền lấy ví dụ trước đây có Bộ còn cho đường dây nóng của tổng cục trưởng, các doanh nghiệp có vướng mắc thì gọi ngay cho vị này nhưng vị này không bao giờ nghe vì lý do đi họp.

Tuy nhiên, phạt 15 triệu đồng là rất nhỏ so với vi phạm cố tình của ngân hàng. Số tiền đó chắc chắn ngân hàng đáp ứng được và không phải là cảnh cáo lớn đối với các ngân hàng. Chưa tính việc xử phạt cũng khó khăn, qua nhiều tiến trình điều tra.

Bài học

Pháp luật quy định mang tính răn đe. Còn để cây ATM nói riêng, hay một ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn là phải xuất phát từ ý thức của mỗi ngân hàng. Dịch vụ thẻ chỉ là một trong hàng trăm hoạt động dịch vụ của ngân hàng hiện đại. Ngân hàng nào không vì chữ tín mà gây nhiều khó khăn cho khách thì tự khách hàng sẽ rời bỏ mình. Vì thế mỗi ngân hàng cần phải xây dựng văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh phù hợp với thuần phong mỹ tục tốt đẹp đã có lịch sử truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt. Đặc biệt chú trọng tạo dựng, nâng niu, giữ gìn chữ TÍN, bởi vì đó là cốt lõi của thành công đối với mỗi ngân hàng.

Thanh Long (tổng hợp)

Từ Khóa: