Vương quốc Anh hiện đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người vi phạm nhân quyền, đặc biệt là đối với các bác sĩ Trung Quốc có liên quan đến mổ cướp nội tạng.
Vào ngày 1/3/2020, một tòa án độc lập có trụ sở tại London, Vương Quốc Anh đã đưa ra phán quyết rằng, chính quyền Trung Quốc vẫn đang tiếp tục hoạt động mổ cướp nội tạng sống đối với các tù nhân lương tâm và bán cho thị trường cấy ghép tạng để kiếm lời.
Lord Philip Hunt, cựu Bộ trưởng y tế Anh, nói với mạng truyền hình NTD hôm 2/3: “[Chính phủ Anh] phải xem xét sử dụng luật Magnitsky chống lại các bác sĩ và những người khác liên quan đến những vụ lạm dụng nhân quyền khủng khiếp này”.
“Chúng tôi biết rằng Trung Quốc tuyên bố có một quy trình quyên góp tạng tự nguyện như những gì chúng tôi làm ở Vương quốc Anh. Tuy nhiên, số lượng ca cấy ghép diễn ra ở Trung Quốc quá lớn so với số lượng tình nguyện quyên góp. Chúng tôi biết rằng phải có một cách khác để có các cơ quan nội tạng đó”, ông nói.
Luật Magnitsky được thông qua bởi quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2012, nhắm vào các quan chức Nga liên quan đến một kế toán thuế tên là Sergei Magnitsky, đã chết trong tù sau khi cáo buộc các quan chức Nga liên quan đến gian lận thuế quy mô lớn.
Vào năm 2017, một phiên bản toàn cầu của Đạo luật Magnitsky đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nhằm cho phép Hoa Kỳ xử phạt những người vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.
Tại Anh, lấy cảm hứng từ luật Magnitsky, vào ngày 21/2/2017, Hạ viện nước này nhất trí thông qua sửa đổi Dự luật tài chính hình sự, nhằm cho phép chính phủ đóng băng tài sản của những người vi phạm nhân quyền quốc tế ở Anh. Vào ngày 1/5/2018, Hạ viện Anh, đã “sửa đổi Magnitsky” vào Dự luật trừng phạt và chống rửa tiền, cho phép chính phủ Anh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm nhân quyền thô bạo.
Ông Lord Tariq Ahmad, Bộ trưởng nhân quyền của Vương quốc Anh, nói với mạng truyền hình NTD rằng ông chưa thể bình luận về các chi tiết cụ thể của luật pháp và ông sẽ xem xét báo cáo việc chính quyền Trung Quốc vẫn đang tiếp tục mổ cướp nội tạng sống, do tòa án độc lập Anh đưa ra hôm 1/3.
Báo cáo hôm 1/3 của Tòa án độc lập tại Anh chỉ ra rằng, các chính phủ trên thế giới đã không tiến hành điều tra các cáo buộc chống lại Trung Quốc về hành động mổ cướp nội tạng sống, và theo đó đã để “biết bao nhiêu người phải chết một cách khủng khiếp và vô tội”.
Cũng trong ngày 1/3, Nhật báo Bắc Kinh ở Trung Quốc đưa tin, chuyên gia ghép phổi hàng đầu của Trung Quốc là Trần Tĩnh Du (Chen Jingyu), đã hoàn thành ca phẫu thuật ghép phổi đầu tiên trong 5 giờ, cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Bệnh nhân là một người đàn ông 59 tuổi, được chẩn đoán nhiễm COVID-19 vào ngày 27/1. Ngày 24/2, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Truyền nhiễm Vô Tích và đến ngày 29/2, đội ngũ phẫu thuật do ông Du đứng đầu đã tiến hành phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân này, với nguồn gốc phổi đến từ “một bệnh nhân chết não”, theo Nhật báo Bắc Kinh.
Như vậy, chỉ trong 5 ngày từ khi bệnh nhân nhập viện (từ 24/2 đến 29/2), người này đã nhận được hai lá phổi phù hợp để thay thế, trong khi trên thế giới người bệnh muốn nhận được phổi phù hợp để thay thế thì phải chờ đợi rất nhiều năm.
Điều này chứng minh cho kết luận của tòa án độc lập ở Anh vào ngày 1/3: “Nguồn nội tạng cấy ghép được cung ứng nhanh như vậy chỉ có thể xảy ra khi có một hệ thống ngân hàng của những người hiến tạng sống. Người hiến tạng có thể hy sinh để đáp ứng yêu cầu nội tạng”.
“Đã đến lúc không thể bỏ qua vấn đề này nữa. Đây là tội ác chống lại nhân loại. Đã đến lúc nhân loại phải hành động”, Bà Susie Hughes, giám đốc điều hành và là thành viên đồng sáng lập nhóm vận động Liên minh Quốc tế nhằm chấm dứt lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc cho biết.