Như tất cả những Chủ Nhật khác, khoảng 7 giờ sáng, một góc của công viên Kelly Park, đường Robert, thành phố San Jose, tiểu bang California, Mỹ, vang lên tiếng gọi nhau í ới, tiếng chuyện trò rổn rảng của những người Việt.
“Luống cải của chị hôm nay lên xanh quá”.
“Mấy trái cà tuần trước có chút xíu hôm nay to vầy rồi nè”.
“Chú ơi đóng thêm giùm con dàn gỗ này để nó giữ mấy cái cây của con không bị ngã”.
Trong cái không khí se lạnh của buổi sớm ngày cuối tuần, một khu vực bên trong Vườn Truyền Thống Việt, nơi bà con ở đây gọi với cái tên thân thương là Vườn Rau Việt, hiện ra những giàn mướp sai trái xanh um. Những cây cà sai quả. Những thửa rau lang xanh ngắt. Giàn bông bí vàng rực một góc vườn.

Nói về sự ra đời của vườn rau, cựu Nghị Viên Tâm Nguyễn cho biết: “Bốn năm trước, từ năm 2015, khi tôi còn là nghị viên, tôi đã tìm cách khai trương lại Vườn Truyền Thống Việt với diện tích 4,5 mẫu đất. Nơi đây đã từng phải đóng cửa một thời gian vì gặp khó khăn, nên khi phục hồi lại, tôi thấy bên cạnh có miếng đất rộng mình chưa sử dụng tới và đặc biệt bên cạnh đây có hai khu dân cư, khoảng 300 người cao niên Việt Nam ở. Họ sống trên lầu, không có đất, không có không gian bên ngoài cho họ, nên tôi nghĩ rất thích hợp cho người dân sử dụng khoảng đất này làm vườn rau”.
Do đó, cùng với bà con đồng hương và những thiện nguyện viên khác, ông đã xin phép thành phố, dùng nửa mẫu của Vườn Truyền Thống Việt để tạo nên Vườn Rau Việt.

Vườn Rau Việt sau hai năm giờ đây đã xanh tươi đủ các loại rau, trái. Mỗi người được “sở hữu” một góc nhỏ, và tự họ chọn gieo trồng loại cây mình thích.
Một phụ nữ người Huế lớn tuổi đang cặm cụi tỉa lại giàn bông bí nói: “Sáng Chủ Nhật nào tôi cũng ra đây, làm để giải trí, dùng thời gian về hưu của tuổi già ra đây để trồng cây trái. Nếu có thì ăn, nếu không có thì cũng là hưởng tuổi nhàn. Đó là niềm vui nhất của gia đình các cô các bác ở đây”.
Tạm dừng công việc cuốc đất để giúp một đồng hương trồng lại cái cây cho vững, ông Chiên Đặng, một cựu quân nhân cho biết: “Vườn Rau Việt này có rất nhiều loại rau người Việt thích và thường dùng mỗi ngày. Lúc đầu còn khó khăn là đất còn mới, nhưng thời gian sau mình đã khai phá thuần thục, đã tương đối tốt. Ra đây, người Việt gặp nhau nói chuyện này chuyện kia, … Nhiều người đã đưa con cháu ra đây để thấy các loại cây trái đặc trưng của người Việt. Rất nhiều đứa nhỏ lớn lên ở Mỹ không biết, nhưng từ khi chúng nó được dẫn đến đây, chúng nó đã biết tên của các loại rau Việt”.

Mỹ Phương, một bạn trẻ lớn lên ở Mỹ, vẫn thường đến đây mỗi cuối tuần. Cô đưa cả chồng, là một người Mỹ và hai con của mình đến để hiểu về văn hóa Việt Nam. Cô chia sẻ: “Vườn Rau Việt này đối với em có rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là với các bác lớn tuổi họ có thời gian đến đây để làm vườn, gặp gỡ bạn bè hàn huyên tâm sự. Còn tuổi của tụi em thì mình nhớ đến các loại rau khi mình còn ở Việt Nam. Còn lứa tuổi con của em thì em giới thiệu các bé cây này cây kia”.

Bà Minh Ngọc, cư dân của thành phố San Jose, Khu Vực 7, trong chiếc áo bà ba Nam Bộ và chiếc nón lá Việt Nam, cho biết: “Vườn Rau Việt, không những đem lại các loại rau quả hữu cơ không có chất hóa học, mà còn gợi nhớ tình quê hương. Những người lớn tuổi ở đây rất vui được gặp nhau mỗi cuối tuần”.
Ở Vườn Rau Việt, còn có “quán” cà phê của bà Linh Vũ mở ra để phục vụ đồng hương. “Quán” của bà “mở cửa” từ khoảng 9 giờ sáng, có “bán” cả món ăn sáng. Mỗi tuần là một thực đơn khác nhau.
“Cô có kinh nghiệm pha cà phê 10 năm. Cô yêu nghề cà phê nên muốn ra đây cho anh chị em trong vườn uống cho vui, hổng có buôn bán gì đâu”, bà chia sẻ.
Cứ thế, một ly ít đường cho người này, một ly đen đá cho người kia. Không chỉ cà phê, bà còn chuẩn bị cả bữa ăn sáng cho mọi người. Món xôi lá dứa thơm nồng nghi ngút khói, làm ấm lòng những người Việt xa quê.
Mặt trời bắt đầu lên cao. Quán cà phê “dã chiến” vẫn đông “khách”. Hình như mọi người chưa muốn về.
Mùi đất, mùi lá, mùi cỏ thoang thoảng giữa các giọng nói từ mọi miền Nam, Trung, Bắc Việt Nam.