Tài khoản mạng xã hội Ukraine Weapons Tracker đã báo cáo hôm thứ Bảy rằng một chiếc “TLAR 9A331M của Nga thuộc hệ thống phòng không Tor-M2 và một hệ thống rải mìn từ xa ISDM Zemledeliye rất hiếm gặp đã bị phá hủy” trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Điều này sẽ đánh dấu tổn thất đầu tiên được xác nhận của ISDM, lần đầu tiên được khai triển tới Ukraine vào năm ngoái.

Một hệ thống phòng không của Nga dường như đã thất bại trong việc chống lại máy bay không người lái của Ukraina và nó dường như đã bị tiêu diệt bởi bom được thả trực tiếp từ máy bay. 

Thật trớ trêu, hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M2 được phát triển để chống lại một loạt các mục tiêu bao gồm máy bay không người lái, tên lửa dẫn đường, tên lửa hành trình, máy bay trực thăng và vũ khí chính xác cao bay ở độ cao rất thấp đến trung bình. 

Mỗi hệ thống Tor-M2 SAM được trang bị hai mô-đun 9M334, chứa bốn tên lửa dẫn đường 9M331 SAM.

Nó có thể hoạt động suốt ngày đêm trong mọi điều kiện thời tiết, vì vậy hoàn toàn không rõ bằng cách nào mà máy bay không người lái Ukraine có thể lảng vảng phía trên hệ thống và thả bom mà không bị phát hiện.

Hệ thống Tor-M2 của Nga. (Ảnh: Sputnik).

Hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) hoàn toàn tự động do Nhà máy cơ điện Izhevsk của Almaz-Antey sản xuất cũng mang lại khả năng phòng không hiệu quả trong môi trường gây nhiễu.

Tor-M2 được cho là có thể tấn công mục tiêu trong vòng 10 giây khi đang di chuyển và chỉ trong vòng 8 giây sau khi dừng lại.

Nó tích hợp radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) cho phép điều khiển chùm tia nhanh hơn và chính xác hơn, đồng thời nó có thể tấn công đồng thời vào khoảng từ bốn đến mười mục tiêu.

Bệ phóng hệ thống đặt mìn ISDM (hay hệ thống rải mìn từ xa) Zemledeliye được phát triển dựa trên khung gầm xe tải quân sự Kamaz 6560 8×8 với cabin đội lái ở phía trước và hai giá treo 20 ống phóng 122 mm có thể phóng mìn chống tăng hoặc sát thương.

Theo Army Recognition, nó có khả năng phóng mìn bao phủ một khu vực bằng vài sân bóng đá trong vòng vài phút.

Nền tảng này có tầm bắn từ 5 đến 15 km, sử dụng tên lửa cỡ 122mm với đầu đạn được trang bị mìn chống tăng hoặc sát thương. Bệ phóng ISDM được trang bị hệ thống thông tin liên lạc, điều khiển hỏa lực, tự vệ và cảm biến khí tượng.

Sáu ống phóng lựu khói – ba ống hướng về hai bên – tạo thành một phần của hệ thống tự vệ.

Nó được ra mắt lần đầu tiên trong Cuộc diễu hành Ngày tháng Năm năm 2020 ở Moscow và một lô sơ bộ được cho là đã được giao cho Lực lượng Công binh vào đầu năm đó.

Nga đã rải mìn trên khắp Ukraine và có những lo ngại đây có thể là một vấn đề trong nhiều năm, thậm chí có thể là nhiều thập niên tới.

Như đã báo cáo trước đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York đã cảnh báo vào tháng 6 năm ngoái rằng Nga đang sử dụng bom mìn và các loại vũ khí khác “gây thương vong và đau khổ cho dân thường, cũng như làm gián đoạn sản xuất lương thực”.

Nhóm đã trình bày chi tiết bảy loại mìn sát thương mà lực lượng Nga ở Ukraine được biết là đã sử dụng kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào cuối tháng Hai.

Việc một bệ rải mìn bị phá hủy sẽ không ngăn được Điện Kremlin khai triển các quả mìn, nhưng điều đáng chú ý là một trong những bệ phóng được đánh giá cao nhất của Moscow đã bị phá hủy quá dễ dàng bằng máy bay không người lái của Ukraina.