Ủy ban Lập pháp – Hành pháp về Trung Quốc của Quốc hội Mỹ (CECC) hôm 8/1 công bố báo cáo kêu gọi các biện pháp trừng phạt chính quyền Bắc Kinh về “tội ác chống lại loài người”, đồng thời thúc giục quan chức Mỹ lưu tâm đến vấn đề nhân quyền khi đàm phán với Bắc Kinh, bao gồm cả đàm phán thương mại.
Theo Reuters, báo cáo thường niên của CECC cho biết tình hình nhân quyền và pháp quyền ở nước này trong thời gian nghiên cứu từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2019 đã xấu đi.
Báo cáo nêu chi tiết các cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc nhắm vào các nhóm thiểu số tôn giáo, các nhà hoạt động và báo chí, và nhấn mạnh vào sự đàn áp đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương.
“Ủy ban tin rằng chính quyền Trung Quốc có thể đã phạm phải tội ác chống lại loài người”.
“Ngoài ra, chính quyền Mỹ nên đưa ra các quan điểm đàm phán cho quan chức Mỹ – bao gồm những người tham gia các cuộc đàm phán thương mại – thường xuyên liên kết tự do báo chí, ngôn luận và lập hội với các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc,” báo cáo nêu.
Báo cáo cho biết, ở Tân Cương, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng camera nhận dạng khuôn mặt và hệ thống giám sát điện thoại di động để tạo ra một “nhà tù ngoài trời”.
“Chính sách đối ngoại của Mỹ nên ưu tiên thúc đẩy nhân quyền và luật pháp ở Trung Quốc, điều này không chỉ tôn trọng và bảo vệ phẩm giá cơ bản của người dân Trung Quốc, mà còn thúc đẩy điều tốt hơn về an ninh và thịnh vượng cho toàn nhân loại”, báo cáo cho biết.
Để giải quyết các hành vi lạm dụng, báo cáo đề nghị thắt chặt quyền tiếp cận thị trường Mỹ đối với các công ty Trung Quốc cung cấp thiết bị hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho cuộc đàn áp.
Báo cáo cũng ủng hộ kiểm soát việc bán hệ thống nhận diện khuôn mặt, máy học (machine learning) và công nghệ sinh trắc học bằng cách liệt các công ty này vào danh sách đen của Bộ thương mại Mỹ, và ngăn chặn việc mua hàng của các công ty này từ những nhà cung cấp Mỹ.
Đồng thời, CECC đề nghị xử phạt các doanh nghiệp và quan chức liên quan đến việc giam giữ và giám sát hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ.
Báo cáo cũng đề cập về quyền tự trị và tự do cơ bản của Hồng Kông đang bị “xói mòn thêm” và cho biết nhiều tháng biểu tình ủng hộ dân chủ của người Hồng Kông đã cho thấy sự “bất mãn sâu sắc” của người dân.