Mục lục bài viết
Khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra, Uông Tiên, một trong những giáo sư khoa văn trẻ nhất tại Đại học Bắc Kinh, đã trở thành giáo sư đầu tiên của Đại học Bắc Kinh tự sát.
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!
Ngày 10 tháng 6 năm 1966, Uông Tiên, một trong những giáo sư khoa văn trẻ tuổi nhất của Đại học Bắc Kinh, đã tự sát bằng cách uống thuốc diệt côn trùng “Dichlorvos” tại nhà riêng ở Căn hộ 10, Lãng Nhuận Viên, Đại học Bắc Kinh khi mới 50 tuổi.

Uông Tiên là giáo sư đầu tiên của Đại học Bắc Kinh tự sát sau khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra. Hôm nay, chúng tôi sẽ kể cho quý vị nghe câu chuyện về giáo sư Uông Tiên dựa trên cuốn sách “Những nạn nhân của Cách mạng Văn hóa” được viết bởi Vương Hữu Cầm, một cựu sinh viên của Đại học Bắc Kinh và hiện là giáo sư tại Đại học Chicago.
Học trò xuất sắc của Trần Dần Khác
Uông Tiên sinh ra ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô năm 1916, được nhận vào Khoa Lịch sử của Đại học Thanh Hoa năm 1934. Trong số hơn 300 tân sinh viên của Đại học Thanh Hoa năm đó, ông đứng thứ hai về tổng điểm xét tuyển, môn toán học đạt điểm 100 trọn vẹn. Năm 1939, Uông Tiên được nhận vào Đại học Bắc Kinh với tư cách là một nghiên cứu sinh khoa văn, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Trần Dần Khác, địa điểm tại Đại học Liên kết Tây Nam ở Côn Minh.
Năm 1947, Uông Tiên được điều chuyển về Bắc Bình, làm trợ lý cho Trần Dần Khác. Nửa năm sau, sau khi Trần Dần Khác nói chuyện với Phó Tư Niên, Hồ Thích và những người khác, Đại học Bắc Kinh đã quyết định thuê Uông Tiên làm phó giáo sư, và với danh nghĩa này, ông tiếp tục làm trợ lý của Trần Dần Khác. Trong hơn hai năm, Uông Tiên ăn ở tại nhà giáo sư Trần, giúp Trần Dần Khác hoàn thành tác phẩm “Nguyên Bạch thi tiên chứng cảo” nổi tiếng.

Trần Dần Khác học vấn cao thâm thế nào? Đánh giá của nhà sử học Phó Tư Niên là: “Học vấn của tiên sinh Trần, trong ba trăm năm mới có một người như thế!” Còn Trần Dần Khác đánh giá Uông Tiên như thế nào? Ngày 17 tháng 5 năm 1948, ông viết trong một lá thư gửi cho Trịnh Thiên Đĩnh, giáo sư lịch sử tại Đại học Bắc Kinh, lá thư viết:
“Kể từ khi cậu Uông tự nhận làm đồ đệ, đến nay đã trở thành trợ thủ đắc lực, đệ tử công phu học tập, đêm ngày siêng năng cần mẫn, thành thục sát sao sử liệu, nhiều sáng kiến, có thể suy ra rằng mấy năm nay cậu ấy không hề chểnh mảng, đủ thành tâm để được gọi là người hiếu học thâm tư.”
Một người có thể được Trần Dần Khác đánh giá cao như vậy, có thể thấy rằng ông ấy không phải là một tài năng bình thường.
Bị đuổi khỏi môn sinh
Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, liền bắt đầu tiến hành cải tạo một cách có hệ thống đối với giới trí thức. Uông Tiên cũng bị thúc ép bởi làn sóng của thời đại, và cũng giống như nhiều trí thức trẻ đương thời, ông từng đặt hy vọng vào ĐCSTQ.
Tháng 2 năm 1950, Uông Tiên gia nhập ĐCSTQ; từ mùa đông năm 1951 đến cuối năm 1953, ông theo học tại Học viện Chủ nghĩa Mác-Lênin Trung ương trong hai năm, chuyển biến từ một nhà sử học truyền thống sang một nhà sử học chủ nghĩa Mác-xít.
Năm 1953, Ủy ban Nghiên cứu Lịch sử của Trung ương ĐCSTQ quyết định, Trần Dần Khác, người đang giảng dạy tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, được mời đảm nhiệm sở trưởng Sở Nghiên cứu Lịch sử Trung cổ thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc.
Sau khi biết tin, Uông Tiên, vốn là học trò được Trần Dần Khác đánh giá cao, đã nghĩ rằng mình nhất định có thể mời được thầy. Vì vậy, ông tình nguyện đề xuất với các nhà lãnh đạo có liên quan rằng mình sẽ đi đến Quảng Châu, thỉnh giáo sư Trần Dần Khác lên Bắc Kinh.
Vào ngày 21 tháng 11 năm 1953, Uông Tiên với thư tín có chữ ký của Quách Mạt Nhược, chủ nhiệm Viện Khoa học Trung Quốc và Lý Tứ Quang, phó chủ nhiệm Viện Khoa học Trung Quốc, tự tin đến Quảng Châu, tìm đến nhà Trần Dần Khác. Đêm đó, ông giải thích mục đích của mình, thuyết phục Trần Dần Khác tiếp thụ ủy nhiệm. Uông Tiên đặc biệt đề cập, nghiên cứu lịch sử phải phục vụ chính trị và được chỉ đạo bởi chủ nghĩa Mác. Ngay khi Trần Dần Khác nghe thấy điều này, ông đã phát hỏa, lập tức khiển trách học trò và không muốn tiếp tục trò chuyện nữa.
Từ đó, Trần Dần Khác không muốn gặp lại Uông Tiên nữa. Sau đó, vợ của Trần Dần Khác nói với ông: “Anh không nên không gặp cậu ấy, cậu ấy là do Trung ương phái đến, phải cho cậu ấy câu trả lời.” Sau khi thuyết phục như vậy,Trần Dần Khác đã nói chuyện với Uông Tiên một lần nữa trước khi Uông rời đi.
Vào ngày 1 tháng 12 năm 1953, Trần Dần Khác đã đọc “Thư trả lời Viện Khoa học” của mình cho Uông Tiên ghi lại. Ông nói: “Tôi không nghĩ chúng ta nên có kiến giải chủ nghĩa Mác-Lênin trước rồi mới nghiên cứu học thuật. Người muốn mời tôi, môn đệ tôi muốn dẫn dắt đều phải có tư tưởng tự do, tinh thần độc lập.”
Sau đó, Trần Dần Khác đưa ra các điều kiện để bản thân nhận bổ nhiệm:
“Điều kiện thứ nhất là ‘Cho phép Viện Lịch sử Trung cổ không tuân theo chủ nghĩa Mác-Lê, và không học tập chính trị’, ý nghĩa là không được gông cùm, không thể kiến giải chủ nghĩa Mác trước rồi mới nghiên cứu học thuật, cũng không cần học tập chính trị. Không chỉ một cá nhân tôi như vậy, mà tôi muốn toàn bộ mọi người đều như vậy. Tôi từ trước tới nay không đàm luận chính trị, không liên quan gì đến chính trị, cũng không có quan hệ với bất kỳ đảng phái nào.”
“Điều kiện thứ hai: ‘Xin Mao công hoặc Lưu công cấp cho tôi một chứng thư để làm thẻ bài miễn tội.” (Mao công chỉ Mao Trạch Đông, và Lưu công chỉ Lưu Thiếu Kỳ).
ĐCSTQ nhất định không đáp ứng các điều kiện do Trần Dần Khác đề xuất, và việc ông đến Bắc Kinh để đảm nhận chức vụ này cuối cùng chẳng đi đến đâu. Còn về phần Uông Tiên, từ khi đến Quảng Châu, ông ấy không những không mời được Trần Dần Khác, mà từ đó trở đi, ông không còn được Trần Dần Khác công nhận là học trò nữa.
Vẫn còn chút thái độ trị sử của Trần Dần Khác
Sau khi tốt nghiệp Học viện Chủ nghĩa Mác-Lênin, Uông Tiên trở lại giảng dạy tại Khoa Lịch sử của Đại học Bắc Kinh, sử dụng chủ nghĩa Mác để hướng dẫn nghiên cứu lịch sử. Tuy nhiên, ông rốt cuộc đã theo thái độ trị sử của Trần Dần Khác, ít nhiều bảo lưu một số phương pháp học thuật do Trần Dần Khác khởi xướng.
Trước năm 1964, ông đã chiêu sinh nhiều khóa nghiên cứu sinh lịch sử thời Tùy và Đường. Ông yêu cầu các giáo viên trẻ và học sinh muốn học tập tốt lịch sử Trung Quốc cổ đại, tất yếu phải luyện tập tốt các kỹ năng cơ bản của lịch sử Trung Quốc cổ đại. Ông rất phản đối việc một số người khi điển chương chế độ không rõ ràng về thời gian, địa điểm, nhân vật sự kiện đều không biết mà cứ viết. Về khảo chứng sự thực lịch sử, ông yêu cầu thanh niên học tập thật tốt các bậc tiền bối. Những luận văn lịch sử Tùy Đường mà ông tuyển viết, được nghiên cứu kỹ lưỡng và logic, và chúng xứng đáng là chân truyền của Trần Dần Khác.
Uông Tiên cũng nhận ủy thác của nhà xuất bản, thẩm duyệt nhiều bản thảo. Ông không chỉ xem lại từng câu từng chữ cuốn “Sử thoại Tùy Đường” của Thẩm Khởi Vĩ, mà còn kiểm tra tất cả các tài liệu. Đối với các điều mục của bộ phận quan chức Tùy Đường trong “Từ Hải”, ông cũng căn cứ theo “Đường Lục Điển”, “Cựu Đường thư ‧ Thức quan chí”, “Tân Đường thư ‧ Bách quan chí” v.v. tiến hành nghiên cứu từng thứ một, viết lại toàn bộ. Bản dịch và chú thích của “Ngụy trưng truyền” cũng được ông tuân chiếu yêu cầu của Trung Hoa Thư Cục, hoàn thành thẩm duyệt đúng thời hạn, vì để tái bản “Ngụy Trưng truyền” mà viết “Ngụy Trưng niên biểu”.
Uông Tiên ban đầu dự định dành vài năm để hoàn thành nghiên cứu về chế độ quân điền, Đường Thái Tông, Võ Tắc Thiên, cũng như hoàn thành công tác thẩm hiệu “Trinh Quán chính yếu chú thích” và “Đường lục điển hiệu chú” do Trung Hoa Thư Cục ủy thác. Thật không may, những sách này đều chưa thể hoàn thành.
Một chai thuốc trừ sâu “Dichlorvos”
Sau khi ĐCSTQ kiến chính, nó lần lượt phát động các cuộc vận động chính trị hết lần này đến lần khác, bao gồm cái gọi là “Sử học cách mạng” lần thứ nhất, “Sử học cách mạng” lần thứ hai, khiến Vương Diễn càng ngày càng không bắt kịp hình thế.
Lịch sử Trung Quốc phong phú đa sắc đã bị ĐCSTQ đơn giản hóa cao độ thành một bộ lịch sử đấu tranh giai cấp: Các chính trị gia, nhà tư tưởng, nhà chiến lược quân sự cổ đại, thậm chí cả các nhà khoa học và nhà văn đều bị nói thành “phát ngôn viên của giai cấp thống trị”; Đế vương tướng tá, tài tử giai nhân, hết thảy đều bị phủ định.
Trong vận động Phản hữu khuynh năm 1959, Uông Tiên vì phản đối phong cách học tập phù phiếm mà bị chỉ trích. Ông đã phải chịu đựng rất nhiều đả kích về tinh thần, thân thể cũng trở nên tồi tàn, cân nặng đã giảm từ hơn 75kg xuống chỉ còn dưới 50kg.
Sau khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra vào năm 1966, Uông Tiên vô cớ bị liên lụy, cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn.
Lại nói về “Cách mạng văn hóa”, đối với các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ, cái gọi là “tập đoàn phản đảng Bành La Lục Dương” bị đả đảo đầu tiên, trong đó “Lục” là bộ trưởng tuyên truyền Lục Định Nhất. Trước đó, Lục Định Nhất đã lên kế hoạch xuất bản “Ngụy Trưng truyền”. Ngụy Trưng là ai? Là một đại phu can gián khuyến nghị nổi tiếng vào thời Đường Thái Tông, ông chuyên đề xuất ý kiến lên hoàng đế, từng hơn hai trăm lần làm phật lòng khi khuyến nghị Đường Thái Tông. Năm 643 sau Công nguyên, Ngụy Trưng bị bệnh qua đời, Đường Thái Tông rất đau buồn, rơi nước mắt nói một câu nói nổi tiếng: “Đại phu lấy đồng làm gương, có thể soi chỉnh tề trang phục; Lấy sử làm gương, có thể biết hưng phế; Lấy người làm tấm gương, có thể minh bạch được mất. Ngụy Trưng chết, trẫm không còn gương!”
Lục Định Nhất lên kế hoạch xuất bản “Ngụy Trưng truyền”, nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần dám nói lời thật, muốn hậu thế học theo Ngụy Trưng, dám dùng lời trực ngôn can gián hoàng đế. Sau khi ông bị đả đảo, Uông Tiên, người đã tham gia thẩm duyệt “Ngụy Trưng truyền”, được xác định là “đồng đảng”, và trở thành người đầu tiên ở Đại học Bắc Kinh bị lôi ra khai đao dưới cờ.
Đó là vào đầu tháng 6 năm 1966. Lúc đó, Uông Tiễn sức khỏe rất yếu và đang nằm nghỉ trên giường ở nhà. Các sinh viên Khoa Lịch sử Đại học Bắc Kinh chạy đến cửa nhà ông, dán những tấm áp phích chữ lớn vạch trần chỉ trích ông trên cửa như một lời cảnh báo. Ngày hôm sau, khi các sinh viên đến “kiểm tra” thì phát hiện áp phích chữ lớn đã bị xé thành nhiều mảnh, vương vãi dưới đất.
Điều này thật khó tin, và các sinh viên đều tràn đầy phẫn nộ, cáo buộc Uông Tiên cừu thị “Cách mạng Văn hóa”, cố tình phá hoại nhằm ngăn chặn hành động cách mạng oanh oanh liệt liệt này. Sự việc nhanh chóng được báo cáo với lãnh đạo của tiểu tổ “Cách mạng Văn hóa” trung ương tại Đại học Bắc Kinh. Lãnh đạo tổ công tác ra lệnh cho Uông Tiên đích thân nhận lỗi trước các học sinh, đồng thời khôi phục những tấm áp phích chữ lớn, dán lại trước cổng nhà ông.
Uông Tiên không thể không làm theo từng yêu cầu của tổ công tác, nhưng trong lòng ông không thể chịu đựng được sự sỉ nhục như vậy.
Vào tối ngày 10 tháng 6, Uông Tiên mở lọ thuốc trừ sâu “Dichlorvos” được cất giữ ở nhà, tu một hơi và uống cạn. Ngay sau đó, độc tính của “Dichlorvos” bùng phát, Uông Tiên vô cùng đau đớn, hú hét và đập đầu vào tường. Hàng xóm nghe tiếng kêu thảm thiết, kinh hãi vội gọi người đến ứng cứu. Nhưng Uông Tiên ý đã khóa cửa nhà để người ngoài không thể vào.
Khi đám đông phá được cửa xông vào, Uông Tiên đã chết.
Sau cái chết, Uông Tiên bị ĐCSTQ định tính là “tự sát vì sợ tội, tự tuyệt với đảng và nhân dân”.
Cái chết của Uông Tiên đã tạo tiền lệ cho những vụ tự sát của nhều giáo sư khác tại Đại học Bắc Kinh trong “Cách mạng Văn hóa”. Những người sau đó có giáo sư Dũ Đại Nhân của Khoa Ngôn ngữ phương Tây, giáo sư Thẩm Nãi Chương của Khoa Triết học, giáo sư Trần Đồng Độ của Khoa Sinh học, giáo sư Nhiêu Dục Thái của Khoa Vật lý, và giáo sư Đổng Thiết Bảo của Khoa Toán học Cơ học, và nhiều người khác.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ông Vương Hữu Cầm, giáo sư tại Đại học Chicago, trong Cách mạng Văn hóa, ít nhất 71 người tại Đại học Bắc Kinh đã tự sát hoặc “tử vong bất thường”.
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
- Trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch
