Truyền thông Trung Quốc đưa tin, một cơ quan thăm dò ý kiến được cho là nổi tiếng quốc tế của Pháp đã công bố báo cáo khảo sát về chỉ số hạnh phúc toàn cầu. Quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất là Trung Quốc. Trong khi Hà Lan, một quốc gia nổi tiếng có phúc lợi xã hội và an ninh cao, lại đứng ở vị trí thứ ba. Chủ đề này đã gây ra sự chế giễu từ cư dân mạng Weibo.
Truyền thông Trung Quốc: Chỉ số hạnh phúc của Trung Quốc cao nhất trong cuộc thăm dò
Theo báo cáo từ NetEase vào ngày 20/3, gần đây, Ipsos, một cơ quan thăm dò ý kiến nổi tiếng quốc tế có trụ sở tại Paris, Pháp, đã công bố một báo cáo khảo sát về chỉ số hạnh phúc toàn cầu. Cơ quan này đã khảo sát 22.508 người trưởng thành ở 32 quốc gia từ ngày 22 tháng 12 năm 2022 đến ngày 6 tháng 1 năm 2023, thông qua nền tảng khảo sát trực tuyến tư vấn toàn cầu.
Trong số tất cả các quốc gia được khảo sát, quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất là Trung Quốc (91%), tiếp theo là Ả Rập Xê-út (86%), Hà Lan (85%), Ấn Độ (84%), Brazil (83%). Hoa Kỳ (76%) và Nhật Bản (60%) lần lượt ở vị trí thứ 14 và 29. Hàn Quốc đứng thứ 31 với 57%, tiếp theo là Hungary với 50%.
Về vấn đề này, cư dân mạng Weibo đã thảo luận sôi nổi. Tờ Vision Times đã dẫn lời cư dân mạng Trung Quốc như sau:
Nickname Đẹp và ngu ngốc (Beautiful and Stupid) nói: “Họ biết rõ sẽ bị mắng khi đăng tin này, nhưng họ vẫn nhất quyết đăng nó. Thực ra, tôi nghĩ họ đang cố tình muốn bị ăn chửi. Dù sao, điều đó là không thể. Họ có thực sự xuất phát từ nội tâm cảm thấy Trung Quốc là một quốc gia hạnh phúc nhất thế giới chăng?”
Nicknam Vương Vĩ Thần (Wang Weichen) cho biết: “Phần Lan, là quốc gia Bắc Âu dẫn đầu về phúc lợi cao. Quốc gia này chăm lo cho dân về cả sinh, lão, bệnh tử, khi nằm xuống người dân cũng có thể hạnh phúc ̉một đời. Cho dù phạm tội và bị nhốt vào tù, bạn sẽ được cấp một máy chơi game.”
Người khác nói: “Một cuộc khảo sát được thực hiện trên 22.508 người trưởng thành ở 32 quốc gia, tức là trung bình môi quốc gia khảo sát hơn 700 người. Với dữ liệu ít ỏi này, mà cũng đưa ra kết luận sao? Nếu tôi tạo một cuộc bỏ phiếu ngẫu nhiên, thì đã có hơn 700 cư dân mạng tham gia bình chọn rồi.”
Có cư dân mạng chế giễu: “Ai là người đại diện trả lời khảo sát? Tại sao tôi không nhận được bảng câu hỏi. Cái này lên tìm kiếm nóng chỉ có thể là bị ăn chửi. Họ biết chúng tôi không vui vẻ, những vẫn giả vờ như chúng tôi rất vui vẻ.”
“Đối tượng của cuộc khảo sát không giới hạn ở – học sinh quốc tế và cha mẹ của họ, sinh viên du học của một trường đại học nào đó, hoặc giám đốc điều hành của một công ty niêm yết trên thị trường, v.v. Nếu không lo lắng cho quốc gia đại sự, thì 91% người Trung Quốc thật sự là người hạnh phúc nhất thế giới. Tôi tin, vì cảm giác hạnh phúc của tôi là được người khác thay thế rồi.”
Mặt trái của sự thật: Tiếng khóc gào thét của người Trung Quốc
Cảm giác hạnh phúc của người Trung Quốc có phải là cao nhất thế giới không? Những gì đã xảy ra ở Trung Quốc là có sức thuyết phục nhất. Vào cuối năm 2022, tờ NetEase ở Trung Quốc đã phát hành một video về các sự kiện vào năm 2022, có tiêu đề “ảo tưởng sao trời biển rộng, tốt hơn là nên sống thực”, ghi lại chân thực tất cả các loại hỗn loạn và cực đoan trong quá trình phòng chống dịch bệnh và thời gian đóng cửa ở Thượng Hải (Shanghai), Tây An (Xian) và những nơi khác. Các sự cố lớn như thảm họa thứ cấp do phong tỏa gây ra, người phụ nữ đeo xích sắt Từ Châu (Xuzhou) và vụ cháy ở Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi). Sau đó, video nhanh chóng bị chặn.
Tờ China Digital Times đã phát hành một video có tựa đề Tiếng nói năm 2022 (The Voice of 2022) vào ngày 31 tháng 12 năm ngoái. Video tổng hợp và tóm tắt một số sự kiện thời sự quan trọng và tiếng kêu khóc của những người dân Trung Quốc trong năm 2022.
Đoạn video cho thấy vào ngày 14 tháng 1 năm 2022, một người đàn ông tại cảng La Hồ (Luohu) ở Thâm Quyến (Shenzhen) đã giơ một tấm biển có nội dung “Đả đảo Tập Cận Bình (Xi Jinping), bảo vệ cải cách và mở cửa.” Sau đó, khoảng 6,7 cảnh sát lao tới và đè người đàn ông đó xuống đất. Vào ngày 20 tháng 1 năm 2022, Đổng Hồng (Dong Hong), thẩm phán của huyện Đan Thành (Dancheng), tỉnh Hà Nam (Henan), cảnh báo rằng “nếu bạn không nghe lời khuyên can và cố tình trở về nhà, đầu tiên bạn sẽ bị cách ly và sau đó sẽ bị giam giữ.”
Vào ngày 28 tháng 1 năm 2022, người mẹ của 8 đứa trẻ ở huyện Phong (Feng), thành phố Từ Châu (Xuzhou), bị phát hiện khi cô đang đeo xích ở cổ, đã khiến xã hội quan tâm. Ngày 1/4, một bệnh nhân hen suyễn ở Thượng Hải đã không may qua đời vì xe cấp cứu từ chối đưa đi bệnh viện. Trong thời gian Thượng Hải đóng cửa vào ngày 2 tháng 5, một người dân đã bị “Đại Bạch (Dabai – nhân viên phòng chống dịch mặc đồ bảo hộ trắng)” phá cửa xông vào nhà. Vào ngày 7 tháng 5, một số cảnh sát mặc quần áo bảo hộ ở Đan Đông (Dandong), tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), dùng băng keo trói một người đàn ông như một “xác ướp” và đưa anh ta đi. Vào ngày 9 tháng 5, nhân viên chống dịch ở Tuy Ninh (Suining), tỉnh Giang Tô (Jiangsu) đã xông vào nhà dân một cách thô lỗ để khử trùng, vứt bỏ tất cả thức ăn trong tủ lạnh của người dân.
Vào ngày 3 tháng 6 năm 2022, Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi), một chủ cửa hàng nổi tiếng, đã bị cấm kinh doanh 3 tháng vì trưng bày “bánh kem hình xe tăng” trong cửa hàng, chạm vào khu vực cấm ngày 4/6/1989. Sau vụ đánh đập tại một nhà hàng thịt nướng ở Đường Sơn (Tangshan) vào ngày 18 tháng 6, mọi người đã đồng thanh hát bài “Ánh sáng trên con đường chính nghĩa”(The right way of Light).
Vào ngày 10 tháng 7, cuộc biểu tình tập thể của những người gửi tiền vào ngân hàng nông thôn ở Hà Nam đã bị cảnh sát đàn áp dữ dội. Vào ngày 2 tháng 8, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ- bà Pelosi đã đáp xuống Đài Bắc trên một chiếc chuyên cơ, các tiểu phấn hồng đã khóc một cách tuyệt vọng, “Thống nhất chỉ là lời nói suông, tất cả chúng ta đã bị lừa dối!”
Ngoài ra, một phụ nữ mặc bộ kimono chụp ảnh trên đường phố ở thành phố Tô Châu (Suzhou) bị cảnh sát bắt giữ; Một người nghi nhiễm bệnh xuất hiện tại bến cá Đông Phương (Dongfang) ở quận Dương Phố (Yangpu), Thượng Hải khiến người dân phải bỏ chạy tán loạn. Người dân Thành Đô (Chengdu) thoát khỏi trận động đất nhưng bị nhân viên chống dịch nhốt trong tòa nhà. Công dân ở thành phố Đạt Châu (Dazhou), tỉnh Tứ Xuyên không được đi vệ sinh trong 7 giờ trên xe đưa đi cách ly. 27 người ở Quý Châu thiệt mạng trong vụ tai nạn thảm khốc khi ở trên xe buýt đưa đi cách ly vào lúc sáng sớm. Sự kiện giăng biểu ngữ ở cầu Tứ Thông (Sitong) ở Bắc Kinh, vụ hỏa hoạn ở Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), Tân Cương (Xinzang), phong trào sách trắng ở Thượng Hải và các nơi khác, v.v.