Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia vừa thừa nhận ngư dân nước này đã đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia quanh quần đảo Natuna, phía Nam Biển Đông. Tuy nhiên, ông cho rằng vấn đề không nghiêm trọng và hai nước có thể dàn xếp ổn thỏa.

Trong buổi họp báo sau cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Mahfud MD ngày 16/1, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tiêu Thiên thừa nhận ngư dân Trung Quốc đã đi vào EEZ của Indonesia trong một khoảng thời gian vào tháng 12/2019 để đánh bắt cá, theo hãng tin Kyodo.

Tuy nhiên, Đại sứ Tiêu nói vụ việc này không quá nghiêm trọng đến mức báo động, đồng thời cho biết ông tin tưởng rằng chính phủ hai bên có thể xử lý và giải quyết vấn đề một cách phù hợp.

“Ngay cả giữa những người bạn hay láng giềng tốt của nhau cũng có thể tồn tại quan điểm khác nhau, nhưng điều đó không thành vấn đề… Chúng ta có thể thảo luận nhiều vấn đề một cách thân thiện”, ông Tiêu nói.

Sau đó, Bộ trưởng Mahfud MD cho biết đại sứ Tiêu nói với ông rằng chính phủ Trung Quốc đang chịu sức ép từ ngư dân đòi cho phép họ tiếp tục hoạt động trong EEZ của Indonesia. Jakarta xem đây là hành động phi pháp và xâm phạm chủ quyền.

Các quan chức cấp cao của hai nước sẽ gặp nhau vào ngày 4 và 5/2 để nỗ lực giải quyết vấn đề. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về các thông tin của Kyodo News.

Indonesia đã phản ứng mạnh trước sự hiện diện đông đảo của tàu cá Trung Quốc từ cuối tháng 12 năm ngoái ở quần đảo Natuna.

Bên cạnh đó, Hải quân Indonesia hôm 6/1 triển khai thêm 4 tàu chiến đến quần đảo Natuna, nâng tổng số tàu tuần tra trong khu vực này lên 8 chiếc, thậm chí cả máy bay chiến đấu tới khu vực, buộc tàu Trung Quốc phải rút lui sau gần 3 tuần.

Chính phủ Indonesia còn tuyên bố sẽ huy động ngư dân hỗ trợ các tàu chiến này . Tổng thống Widodo đích thân thăm quần đảo Natuna, nhấn mạnh việc bảo vệ chủ quyền của Indonesia.

Khu vực mà Indonesia gọi là Biển Bắc Natuna, nằm ở phía Bắc quần đảo Natuna, một quần đảo xa xôi mà Trung Quốc chính thức công nhận là lãnh thổ của Indonesia. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cho rằng vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo này chồng lấn với “đường lưỡi bò (đường 9 đoạn)” mà Trung Quốc tự vẽ ra nên muốn đàm phán. Indonesia đã bác bỏ lời kêu gọi này.