Trong khi thực hiện công trình gần thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, các nhà khảo cổ đã phát hiện trên 10.000 sản phẩm gốm và hơn 1.000 đồ sứ có từ thời nhà Tùy (581-618).
“Các sản phẩm được tìm thấy gồm: chén, đĩa, nồi và những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày khác”, một nhân viên khảo cổ học Trung Quốc cho biết. Tuy nhiên, số cổ vật có chất lượng khác nhau và thuộc về các quan đại thần cao quý thời bấy giờ.
Tại địa điểm khai quật, các nhà khoa học còn phát hiện những chiếc khuôn đựng đất sét, giếng nước và một vài công cụ để làm ra các sản phẩm gốm sứ.
Các nhà khoa học cho rằng, cuộc khai quật này cung cấp nguồn thông tin giá trị phục vụ nghiên cứu nền công nghiệp sứ của Trung Quốc trong thế kỷ thứ VI-VIII.
Dưới triều đại nhà Tùy, kinh tế, chính trị và văn hóa Trung Quốc, vốn bị kìm kẹp bởi xung đột nội bộ kéo dài, có sự biến chuyển rõ rệt. Nông nghiệp, thủ công và thương mại được phát triển.
Trong thời đại này, Vạn Lý Trường Thành cũng đã được xây dựng lại. Ngoài ra, kênh đào Đại Vận Hà kết nối cảng Thiên Tân ở miền Bắc Trung Quốc với Thượng Hải đã ra đời và trở thành một trong những công trình thủy lợi lâu đời nhất trên thế giới.
Hồng Hạnh