Hôm 27/03, Financial Times đưa tin, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay khẩn cấp khổng lồ cho các quốc gia đang gặp khó khăn, nhanh chóng đuổi kịp Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Do đó, Trung Quốc đang nổi lên như một người cho vay cuối cùng mới và quan trọng.

Theo một nghiên cứu mới của các chuyên gia Mỹ và châu Âu dựa trên dữ liệu từ AidData, một viện nghiên cứu tại Đại học William và Mary, đối với khoản vay khẩn cấp, Trung Quốc không cung cấp gì trong năm 2010, cho vay 10 tỷ đô la vào năm 2014 và 40,5 tỷ đô la vào năm 2021.

Để so sánh, IMF đã trao 68,6 tỷ USD cho các quốc gia gặp khó khăn vào năm 2021.

Bên cạnh đó, Trung Quốc tính lãi suất cao hơn cho tín dụng khẩn cấp. Đặc biệt, Trung Quốc đưa ra mức lãi suất 5% cho các quốc gia có thu nhập trung bình gặp khó khăn so với mức chỉ 2% cho các khoản vay từ IMF.

Vào năm 2021, hơn 90% khoản vay khẩn cấp của Trung Quốc được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ, đồng tiền riêng của nước này.

Trong một phần trình bày hôm 02/03 tại một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm G20, Ngoại trưởng Tần Cương của Trung Quốc cho biết, “Trung Quốc đã đình chỉ nhiều khoản thanh toán nợ hơn bất kỳ thành viên nào khác của Nhóm G20”.

Ông Christoph Trebesch, giám đốc nghiên cứu về tài chính quốc tế và kinh tế vĩ mô tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của một ông lớn giải cứu tài chính khác trong hệ thống tài chính quốc tế”.