Tình hình dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán ở Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Để ngăn chặn virus, chính quyền Trung Quốc dự định tiêm vắc-xin cho 80% dân số bất chấp những lo ngại về độ an toàn của vắc-xin trong nước, theo Vision Times.

Theo cuộc phỏng vấn trên Hoàn Cầu Thời báo, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Thiệu Nhất Minh của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh và AIDS Trung Quốc cho rằng, vắc-xin thế hệ đầu tiên chắc chắn sẽ không giải quyết được mọi vấn đề, vì virus đột biến là một vấn đề muôn thuở. Nói chung, vắc-xin đạt hiệu quả tốt hơn với các chủng virus tương đồng, nhưng với các chủng virus biến thể thì tác dụng của vắc-xin sẽ giảm xuống.

Ông cho biết Trung Quốc đã tiêm chủng khoảng 22,77 triệu liều vắc-xin viêm phổi Vũ Hán. Tuy nhiên, do tỷ lệ bảo vệ của vắc-xin không đạt 100%, cộng với sự hao tổn trong vận chuyển và sử dụng, nên Trung Quốc ước tính sẽ tiêm chủng cho khoảng 80% dân số, tương đương 1,1 tỷ người. Thời gian để hoàn thành việc đó sẽ mất khoảng 2 năm để đạt điều kiện miễn dịch tập thể.

Ông Thiệu nói thêm rằng, định nghĩa chung về “miễn dịch tập thể” không có nghĩa là ngăn chặn sự lây lan của virus viêm phổi Vũ Hán mà là để ngăn chặn việc phát bệnh từ virus. Bởi vì, dù là vắc-xin sản xuất ở Trung Quốc hay ở phương Tây cũng không thể ngăn chặn sự lây lan của virus viêm phổi Vũ Hán.

Hiện tại, virus viêm phổi ở Vũ Hán không ngừng xuất hiện các biến thể ở Anh, Nam Phi và Brazil. Ông Thiệu cho rằng, khả năng bảo vệ của vắc-xin hiện tại với virus biến thể của Anh không có nhiều tác dụng, nhưng sẽ có hiệu quả với virus ở Nam Phi.

Ngoài ra, ông cũng thừa nhận rằng, vắc-xin không thể loại bỏ hoàn toàn được virus viêm phổi Vũ Hán. “Quan điểm của tôi là chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn virus, nhưng nó có thể bị ngăn chặn đến mức mức thấp.”, ông nói.

Tăng Ích Tân, phó giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết trong cuộc họp báo ngày 27/1 rằng, Trung Quốc đã sử dụng 22,76 triệu liều vắc-xin viêm phổi Vũ Hán vào ngày 25/1. Dương Hiểu Minh, nhà khoa học chính của dự án kế hoạch vắc-xin cho 863 quốc gia cũng cho biết, với dân số 1,4 tỷ người, ít nhất 900 triệu đến 1,2 tỷ người dân trong nước phải được tiêm vắc-xin để xây dựng bức tường bảo vệ miễn dịch. Chỉ bằng ước tính này, có thể hình dung nhu cầu về vắc-xin của Trung Quốc lớn đến mức nào.

Mặc dù các nhà chức trách Trung Quốc nâng cao tầm quan trọng của vắc-xin, nhưng trong tình hình các ca nhiễm ở Trung Quốc không ngừng gia tăng, thì chính quyền lại đang “ngoại giao vắc-xin” và gửi vắc-xin đến các nước khác chứ không chú trọng tiêm cho người dân của mình.

Cụ thể, ngoài việc ký kết các thỏa thuận mua bán với ít nhất 24 quốc gia (hầu hết là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình), các công ty vắc-xin Trung Quốc còn “tự hào” hơn khi tặng vắc-xin viêm phổi Vũ Hán cho nhiều quốc gia khác. Ví như, họ đã hứa sẽ cung cấp cho Pakistan lô hàng đầu tiên gồm 500.000 liều vắc-xin miễn phí vào cuối tháng 1 và 1 triệu liều vắc-xin khác vào cuối tháng 2 năm nay.

Đối với châu Âu, công ty Kexing Bắc Kinh ban đầu hứa với Thổ Nhĩ Kỳ rằng, họ sẽ vận chuyển 10 triệu liều vắc-xin tới nước này vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, đầu tháng Giêng năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ nhận được 3 triệu liều vắc-xin của Trung Quốc. Ngoài ra, công ty Sinopharm cũng đã gửi 1 triệu liều vắc-xin đến Serbia vào ngày 16/1. Hungary cũng đã mua 1 triệu liều vắc-xin từ Trung Quốc.

Trước khi ông Vương Nghị đến thăm 4 nước Đông Nam Á trước đó, Philippines cũng đã mua 25 triệu liều vắc-xin từ Trung Quốc và Indonesia đã mua 125 triệu liều vắc-xin của công ty Kexing Bắc Kinh.

Theo Apple Daily, Ai Cập và Maroc cũng đã đặt hàng vắc-xin từ Trung Quốc.

Báo cáo cho biết, so với việc tích cực xuất khẩu vắc-xin ra nước ngoài, tỷ lệ dân số được tiêm chủng ở các tỉnh và thành phố của Trung Quốc nhìn chung còn thấp. Ví dụ như ở Bắc Kinh, với dân số 21 triệu người, chỉ khoảng 1,7 triệu người đã được tiêm phòng, chiếm 8% dân số. Thượng Hải với dân số khoảng 24 triệu người, chỉ có khoảng 820.000 người đã được tiêm phòng, chiếm 3,4%. Tại Giang Tô, chỉ hơn 310.000 người trong số 80 triệu dân đã được tiêm chủng, chiếm 0,4%.