Những người chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền ở Tây Tạng đã bị Đạt Lai Lạt Ma “mê hoặc” – một quan chức cấp cao Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư (27/3) – trước ngày kỷ niệm 60 năm sống lưu vong ở Ấn Độ của lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, theo Reuters.
Trung Quốc nói rằng, họ đã “giải phóng hòa bình” Tây Tạng vào năm 1950, và từ đó đã nỗ lực rất lớn để hiện đại hóa vùng sâu vùng xa, xóa bỏ các tập quán phong kiến, đồng thời bảo vệ người dân theo đạo Phật và quyền được tự do thực hành tôn giáo, duy trì văn hóa của họ. Trên thực tế, các nhà phê bình, bao gồm Hoa Kỳ, nói rằng Trung Quốc cai trị bằng “nắm đấm sắt” và lạm dụng quyền lực theo dõi giám sát người dân trên diện rộng, gồm Tây Tạng.
Phó thống đốc Tây Tạng Norbu Dondrup (thuộc chính quyền Trung Quốc), đã mô tả “xã hội Tây Tạng rất đen tối và tàn nhẫn” trước khi được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đến “giải phóng”.

Tuy nhiên, 60 năm kể từ khi Trung Quốc đặt chân lên Tây Tạng, họ đã dần dần Hán hoá người dân, ngôn ngữ mẹ đẻ Tây Tạng hầu như không còn được giảng dạy trong nhà trường. Tên của người Tây Tạng đã đổi theo tên người Hán. Các tập tục văn hoá truyền thống khác của người dân địa phương đã bị xóa bỏ, chính quyền Bắc Kinh đã trục xuất các tăng ni, ép họ hoàn tục và phá vỡ các tu viện tịnh xá.
Ngày 10/3/2019, tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, có khoảng ít nhất 3.000 người Tây Tạng đã cùng tuần hành trên đoạn đường dài khoảng 3 km, kỷ niệm 60 năm ngày dân chúng Tây Tạng nổi dậy chống lại sự cai trị của ĐCSTQ – với khẩu hiệu và biểu ngữ “Tự do của Tây Tạng là an ninh cho Ấn Độ”, và “Chớ tin vào Trung Quốc”, theo hãng tin AP.

Tây Tạng từng là một vùng đất độc lập, cho đến khi bị chính quyền Trung Quốc chiếm đóng bằng quân đội vào năm 1951. Người dân Tây Tạng coi đây là một cuộc xâm lược, còn ĐCSTQ gọi đó là “cuộc giải phóng hòa bình”. Ngày 10/3/1959, người Tây Tạng đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn tại thủ đô Lhasa nhằm kêu gọi binh lính Trung Quốc rút khỏi Tây Tạng, tái khẳng định rằng Tây Tạng là một quốc gia độc lập. Trung Quốc đã trấn áp quyết liệt bằng vũ lực. Ước tính có khoảng 85.000 – 87.000 người Tây Tạng tử vong trong cuộc xung đột. Lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma buộc phải rời khỏi quê hương và sống cuộc đời lưu vong tại Ấn Độ vào ngày 31/3/1959 đến ngày nay.
Bắc Kinh coi Đạt Lai Lạt Ma là một “người ly khai nguy hiểm”, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng nói rằng, ông chỉ tìm kiếm quyền tự trị thực sự cho quê hương miền núi của ông và phủ nhận bạo lực.

Cuốn “Binh Chí Tây Tạng” (西藏兵志) xuất bản năm 1977 cho biết, vào năm 1959 – trước cải cách ruộng đất ở Tây Tạng, thì nơi đây có đến 2.711 ngôi chùa nổi tiếng, có 114.105 tăng ni. Nhưng sau Đại Cách mạng Văn hóa thì chỉ còn 361 ngôi chùa, và 6.248 tăng ni.

Ngày 25/1/2018, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cho biết, Trung Quốc đã thực thi chính sách kiểm soát hành chính đối với Học viện Phật Giáo Larung Gar, cản trở nghiêm trọng tự do tôn giáo.
Tuần trước, Đạt Lai Lạt Ma nói với Reuters rằng, có thể một khi ông qua đời, hóa thân của ông có thể sẽ được tìm thấy ở Ấn Độ, và ông cũng cảnh báo rằng bất kỳ người kế vị nào khác được chỉ định bởi Trung Quốc sẽ không được tôn trọng. Tuy nhiên, ĐCSTQ – những người theo chủ nghĩa vô thần – khăng khăng rằng người tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma cũng “phải tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc”.
Tây Tạng cũng trở thành một trong những vấn đề giữa Mỹ – Trung, sau khi Tổng thống Donald Trump ký thông qua “Đạo luật tiếp cận Tây Tạng” vào tháng 12/2018. Luật nhằm kêu gọi Bắc Kinh mở cửa khu vực Tây Tạng – nếu không Mỹ sẽ hạn chế những quan chức Trung Quốc đến Hoa Kỳ nếu những người này bị phát hiện đã cản trở công dân Mỹ tới du lịch Tây Tạng. Trung Quốc đã phản đối kịch liệt Đạo luật này.

“Hiện tình hình nhân quyền ở Tây Tạng là rất tốt” – ông Norbu nói – “ví dụ như là chăm sóc y tế miễn phí và thực phẩm đa dạng”, và rằng: “Đạt Lai Lạt Ma tấn công nhân quyền của chúng tôi hoàn toàn có lý do bí mật. Ông chà đạp nhân quyền, ông không có quyền, không có khả năng, và không xứng đáng nói về nhân quyền”.

Vào đêm trước ngày Quốc tế Nhân quyền (10/12/2018), hai tăng nhân người Tây Tạng là Gondola và Qug Gyatso – họ đều 16 tuổi – đã tự thiêu, nhằm phản đối chính sách tàn bạo của Trung Quốc đối với Tây Tạng. Sự việc xảy ra trên “đường anh hùng”, gần đền Geldeng, huyện Aba – sau khi họ hô lớn khẩu hiệu “Tự do cho Tây Tạng”. Kể từ năm 2009 tới nay, có khoảng 157 người Tây Tạng tự thiêu phản đối Trung Quốc.
Mộc Trà