Theo Open Doors USA, Trung Quốc đang tạo ra “hệ thống đàn áp tôn giáo” cho tương lai, thậm chí hệ thống đàn áp này còn có thể được chuyển giao cho nước khác, để bức hại người dân trên toàn thế giới.
Ông David Curry, giám đốc điều hành của Open Doors USA, một tổ chức hiện hoạt động tại 60 quốc gia, chuyên giám sát sự đàn áp Kitô giáo trên thế giới, đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về cách Trung Quốc có thể định hình việc đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số trong tương lai, thông qua việc sử dụng các công nghệ giám sát để theo dõi các Kitô hữu và các tín đồ tôn giáo khác.
Hôm 15/1/2020, Open Doors đã công bố một báo cáo liệt kê danh sách các nước trên thế giới nằm trong diện quan sát, tham dự sự kiện có đại diện của chính quyền Tổng thống Trump, của Nghị viện và các nhà hoạt động nhân quyền. Báo cáo hàng năm này xếp hạng 50 quốc gia có các Kitô hữu bị đàn áp.
Trong một cuộc họp ngắn, ông Curry cảnh báo, Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất” đối với nhân quyền trên toàn thế giới.
Trong báo cáo 2020, Trung Quốc đã bị đánh tụt thứ hạng, từ vị trí thứ 27 xuống 23, với thang bậc xếp hạng thứ tự càng thấp thì mức độ vi phạm nhân quyền càng cao.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc không bị xếp hạng thấp như những nước vi phạm khác trong danh sách, nhưng ông Curry nhấn mạnh rằng những hệ lụy nằm trong việc Trung Quốc phát triển hệ thống giám sát để kiểm soát người dân.
“Những hệ lụy của nó không chỉ đối với các Kitô hữu ở Trung Quốc, mà còn đối với mọi quốc gia và tự do tôn giáo nói chung”, ông Curry nhận xét.
“Hãy để tôi ghép nó lại với nhau. Nó giống như một câu đố. Các mảnh ghép đều ở đó, nhưng chỉ đến khi bạn ghép chúng lại, bạn mới nhìn thấy nó rõ ràng. Khi bạn nhìn thấy rõ, nó thật đáng sợ”, ông Curry diễn giải.
Theo ông Curry, những mảnh ghép của câu đố này liên quan đến việc Trung Quốc sử dụng “hệ thống tín dụng xã hội” chấm điểm công dân dựa trên hành động của họ. Chính quyền Trung Quốc đã tạo ra một mạng lưới camera giám sát, được đặt trên các góc phố và trong các nhà thờ.
“Hãy tưởng tượng một hệ thống mà công dân được cho 2.000 điểm, và mỗi khi bạn làm điều gì đó mà chính phủ không đồng ý, bạn sẽ bị trừ điểm. Cuối cùng, chuyến đi du lịch của bạn sẽ bị hạn chế, con cái bạn sẽ không được nhận vào những trường tốt nhất. Bạn sẽ mất điểm khi đưa con đến Trường Đạo (Sunday School). Đó là những gì mà rất nhiều Ki tô hữu ở Trung Quốc nếm trải”, ông Curry môt tả chi tiết.
Sau khi đi du lịch đến Trung Quốc một vài tuần trước, ông Curry cho hay ông “đã tận mắt nhìn thấy sự giám sát trên các đường phố, và cả trong các nhà thờ, camera theo dõi sự tụ tập của họ. Các camera quét khuôn mặt khi bạn bước vào, và sau đó theo dõi bạn, rồi tạo báo cáo với các giả định được đưa vào hệ thống trí tuệ nhân tạo của họ để theo dõi hành vi của các Kitô giáo”.
Ông Curry nói rằng một người càng đi nhà thờ nhiều, họ càng bị gắn mác là một “kẻ cực đoan”.
“Họ đang đóng cửa lượng lớn các nhà thờ tại gia. 5.596 nhà thờ đã bị đóng cửa, nhiều nhà thờ bị đóng vì từ chối đặt camera giám sát để theo dõi hoạt động của họ”.
Mục sư Jian Zhu, người lớn lên ở Trung Quốc nhưng hiện là giám đốc của Viện Trung Quốc tại Đại học Lincoln Christian, tiểu bang Illinois, nói với những người tham dự sự kiện rằng cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với các nhà thờ tại gia hiện là điều tồi tệ nhất mà ông từng thấy kể từ năm 1979.
“Chính phủ Trung Quốc hiện đã đặt ra những hạn chế và chính sách nghiêm khắc đối với các nhà thờ tại gia, yêu cầu hàng xóm phải theo dõi lẫn nhau, gây áp lực cho giáo viên trường học và giảng viên đại học ký tuyên bố phủ nhận đức tin của mình, cũng như làm điều tương tự với các sinh viên”, mục sư Zhu chỉ trích.
Mục sư Zhu giải thích rằng nhiều nhà thờ bị yêu cầu gỡ bỏ các thánh giá bên trong và bên ngoài các tòa nhà của họ, và đưa ảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình vào giữa bục sân khấu thánh đường. “Các nhà thờ ngầm” cũng bị buộc tội gây quỹ bất hợp pháp vì thu nhận các lễ vật từ các giáo dân.
Mục sư Zhu nói rằng ông đã nghe nói về một số thành phố đã đóng cửa tất cả các nhà thờ tại gia.
“Bây giờ, họ đang cố gắng loại bỏ Kitô giáo khỏi cuộc sống cộng đồng. Các camera lắp đặt khắp nơi để theo dõi nhà thờ và các Kitô hữu đi lễ vào Chủ nhật. Các gia đình bị đe dọa không được đến nhà thờ, nếu không họ sẽ bị trừng phạt, hoặc người thân của họ có thể gặp rắc rối”, mục sư Zhu lên án.
Một Kitô hữu từ Trung Quốc đã tham dự sự kiện của Open Door nói với tờ The Christian Post rằng ông ấy và gia đình đã trốn khỏi Trung Quốc sau khi nhà thờ mà ông tham dự bị đóng cửa.
Ông Curry nhấn mạnh “dữ liệu chỉ ra thực tế rằng Trung Quốc dường như đang phục hồi lại cái gọi là ‘nhà nước Đức Chúa Trời’”.

“Họ đang sử dụng trí tuệ nhân tạo và giám sát lên một cấp độ hoàn toàn mới. Tất cả các dấu hiệu cho thấy vào năm 2020 – và đây là lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh điều này – họ đang kết hợp 2 phương thức này lại với nhau. Họ đang hợp nhất hệ thống chấm điểm xã hội và giám sát và trí tuệ nhân tạo để cung cấp cho họ các công cụ và sức mạnh nhằm đàn áp người dân”, ông Curry nhận xét.
“Điều này đã xảy ra theo một cách rất nghiêm trọng: không phải đối với người Kitô giáo, mà là đối người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ”, ông Curry nói, và lưu ý rằng hàng trăm ngàn người nếu không phải hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, đã bị đưa đến ‘các trung tâm giáo dục cải tạo’ ở miền Tây Trung Quốc”.
Theo ông Curry, “những người theo đạo Hồi bị buộc phải từ bỏ đức tin và văn hóa của mình. Đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi thế giới sẽ chỉ trích công nghệ này bởi Trung Quốc đang bán nó cho Iran; họ đang tìm cách bán nó cho Ai Cập cũng như các quốc gia khác”.
Khi được hỏi tại sao Trung Quốc không bị xếp hạng thấp hơn trong Danh sách Theo dõi Thế giới, ông Curry nói rằng danh sách này chấm điểm qua các thước đo về cuộc sống riêng, cuộc sống chung của cả một đất nước, bạo lực và những khía cạnh khác.
“Vì vậy, tôi nghĩ, mặc dù Trung Quốc đứng thứ 23, chúng tôi đang nhấn mạnh nó bởi vì kế hoạch chi tiết này. Họ đang tạo ra một hệ thống đàn áp cho tương lai, và bây giờ chúng tôi phải chỉ ra. Nếu không thì sẽ quá muộn. Họ rồi sẽ bán nó cho Iran và những nước khác để đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo của họ. Đó là lý do tại sao chúng tôi nêu rõ điều này. Trong vòng 5 năm, sẽ là quá muộn để ngăn chặn chúng”, ông Curry cảnh báo.
Ông Curry thông báo tổ chức Open Doors đã yêu cầu Nhà Trắng và những người khác hỗ trợ cho các dự luật được đề xuất mà ông nói, sẽ cung cấp các biện pháp để “kiểm soát việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt trên khắp thế giới”.
“Những giả định nào đang được xây dựng trong vấn đề này mà chúng ta cần biết? Đi nhà thờ ở Trung Quốc có phải là khủng bố hay không? Đây là những điều chúng ta cần biết”, ông Curry khẳng định.