Chen Zongrong, quan chức cao cấp của chính phủ Trung Quốc, phụ trách các vấn đề về tôn giáo, đã tuyên bố rằng phạm vi hoạt động của các cha xứ ở Trung Quốc sẽ bị giới hạn, ngay cả khi Vatican và Bắc Kinh đạt được những thỏa thuận có tính bước ngoặt về việc bổ nhiệm các giám mục tại Đại Lục.

Chen Zongrong nói với các phóng viên vào hôm thứ Ba (3/4/2018) rằng Chính phủ Trung Quốc đang đàm phán để đạt được thỏa thuận với Vatican về vấn đề bổ nhiệm các giám mục – một vấn đề phức tạp mà hàng thập kỷ qua chưa giải quyết được. Theo đó, Trung Quốc sẽ đưa ra danh sách các ứng viên và Giáo hoàng sẽ lựa chọn một trong số đó.

Theo thông lệ trên thế giới, Giáo hoàng có toàn quyền bổ nhiệm các giám mục.

Khi được hỏi trong một cuộc họp báo rằng, việc quy định bổ nhiệm giám mục như vậy phải chăng là vi phạm tự do tôn giáo, ông Chen đã trả lời rằng: “Tôi không đồng ý với quan điểm như vậy”.

“Hiến pháp của Trung Quốc là rõ ràng … các thế lực ngoại bang không được phép can thiệp vào các hoạt động tôn giáo”, ông Chen khẳng định.

Ông Chen Zongrong, một quan chức cấp cao trong Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc. (Ảnh: China Plus)

Trước lập trường cứng rắn của Trung Quốc, một số người quan tâm tới vấn đề này tỏ ra băn khoăn về quyết định của Giáo hoàng Francis khi đồng ý một cách khá dễ dàng với các yêu cầu từ phía Bắc Kinh.

Linh mục Bernardo Cervellera, Tổng biên tập Tạp chí Asia News của Rome, Vatican đã tự hạn chế bản thân mình bằng các thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc, và thỏa thuận này tạo điều kiện để lãnh đạo nước này “nắm hoàn toàn sinh mệnh của các nhà thờ”.

“Vatican nên duy trì tất cả các nhà thờ ở Trung Quốc, kể cả những nhà thờ dưới lòng đất”, cha xứ Bernardo Cervellera nói. “Đứng mơ tưởng rằng khi thỏa thuận với nhà cầm quyền thì sẽ có tự do tôn giáo, điều đó không thể xảy ra trong một chính thể như vậy”.

Linh mục Bernardo Cervellera, người cho rằng Vatican có lẽ sẽ không đạt được mục đích của họ, cho dù có thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc. (Ảnh: La Fede Quotidiana)

Các quan chức của Vatican và những người ủng hộ cho rằng thỏa thuận này sẽ thống nhất được các cộng đồng người Công giáo ở Trung Quốc vốn đã bị chia rẽ trong suốt 6 thập kỷ qua. Có một bộ phận người Công giáo cho rằng, để không bị gây khó dễ, hoạt động của các nhà thờ nên nương theo chính sách tôn giáo của nhà cầm quyền, còn một bộ phận khác thì có quan điểm ngược lại.

Hôm thứ Năm tuần trước (29/3/2018), Vatican cho biết thỏa thuận này thực ra vẫn còn đang trong quá trình đàm phán và rất có thể sẽ có những đột phá. Hôm qua (3/4/2018), trước câu hỏi của phóng viên tìm hiểu về tiến trình đàm phán giữa Vatican và Bắc Kinh, ông Chen đã không tiết lộ về những vấn đề gây trở ngại, tuy nhiên ông nói rằng hai bên luôn duy trì trạng thái thảo luận cởi mở.

Ông Chen đã chủ trì buổi họp báo để giới thiệu chính sách của chính phủ Trung Quốc về tôn giáo. Phát biểu của ông phản ánh quan điểm không thay đổi của Bắc Kinh, rằng chính phủ phải giữ quyền kiểm soát tôn giáo, đặc biệt trong bối cảnh xã hội có những biến chuyển lớn với nhiều người tìm tới tôn giáo như hiện nay.

Ông Chen nói rằng theo ước tính tới thời điểm này, Trung Quốc là nơi có 200 triệu tín đồ tôn giáo, tăng gấp đôi so với năm 1997. Các Đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc theo chủ nghĩa vô thần; trong khi đó, những người không phải Đảng viên có thể tự do đến với tín ngưỡng – tôn giáo nào mà họ muốn.

Thời gian vừa qua ở Trung Quốc đã xảy ra một số trường hợp cha xứ mất tích bí ẩn. Những cha xứ này được cho là có một số hoạt động không tuân thủ chính sách tôn giáo của Bắc Kinh.

Trí Dũng