Ba sĩ quan cao cấp người Anh trong Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông (HKPF) sẽ bị kiện vì cáo buộc tra tấn những người biểu tình ủng hộ dân chủ, một liên minh quốc tế gồm các nhà hoạt động, luật sư và tổ chức công bố hôm thứ Hai (10/8), theo tờ The Epoch Times.
Sau điều tra ban đầu, liên minh này hiện đang thu thập bằng chứng trước khi đệ đơn kiện tại Vương quốc Anh. Họ đã bắt đầu chiến dịch gây quỹ cộng đồng để tài trợ cho vụ kiện, thu về được hơn một phần ba mục tiêu là 200.000 bảng Anh (261.660 USD) chỉ trong vòng vài giờ.
Nhóm cho biết sau “một quá trình điều tra và thu thập bằng chứng sâu rộng”, họ đã xây dựng được một vụ kiến chống lại ba sĩ quan chỉ huy khu vực của HKPF.
Các sĩ quan này bị cáo buộc “tham gia và chịu trách nhiệm cho việc tra tấn những người biểu tình ủng hộ dân chủ”, liên minh cho biết trong một tuyên bố.
“Họ không chỉ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đàn áp từ chỉ thị của Bắc Kinh, mà họ còn trực tiếp giám sát nó”.
Kiện cáo ở Hồng Kông ‘gần như bất khả thi’
Liên minh cho rằng bạo lực của cảnh sát Hồng Kông “đã đạt đến mức điên cuồng”, bao gồm các hành vi đánh đập, dẫm lên người, tấn công tình dục và cưỡng hiếp, nhưng gần như không có cách để truy tố sự tàn bạo của cảnh sát Hồng Kông. Do đó, vụ kiện được đệ trình lên tòa án Anh là “một trong những lựa chọn duy nhất” để đưa những kẻ vi phạm nhân quyền ra trước công lý.
“Trong bối cảnh không có bất kỳ biện pháp nào buộc HKPF chịu trách nhiệm về các hành động của họ ở Hồng Kông, một cuộc truy tố riêng đối với các sĩ quan cấp cao của Anh, trong khu vực tài phán của Anh và xứ Wales theo các quy định về quyền tài phán chung, là một trong những lựa chọn duy nhất để buộc những người có trách nhiệm trả lời cho những tội ác của họ”, liên minh này cho biết.
Ông Luke de Pulford, thành viên tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch, và Nathan Law, cựu ủy viên hội đồng lập pháp Hồng Kông, đang dẫn đầu liên minh này để theo đuổi vụ kiện.
“Người dân Hồng Kông đang phải chịu đựng rất nhiều. Một trong những khía cạnh tồi tệ nhất của sự chịu đựng này là không có thủ phạm nào phải gánh trách nhiệm”, ông de Pulford nói trong một tuyên bố.
“Sau hàng trăm giờ xem xét các video và bằng chứng văn bản, tôi chắc chắn rằng các sĩ quan người Anh này đã đối xử tàn bạo và áp bức người dân Hồng Kông. Nếu cam kết đối với đạo đức và pháp luật của Vương quốc Anh nhằm mục đích nâng đỡ quyền lợi của người dân Hồng Kông không thể khiến chính những công dân Anh phải trả lời cho tội ác của họ, thì đó không thể nào tính là cam kết được”.
“Đây là một vụ án rất quan trọng – và có một nỗ lực nhóm rất lớn. Những tháng vừa qua đã chứng minh việc tố tụng ở Hồng Kông là điều gần như bất khả thi. Những viên cảnh sát người Anh này có thể không bị trừng phạt ở Hồng Kông, nhưng họ không thể trốn tránh luật pháp Anh”, ông viết trên Twitter.
Ông de Pulford cũng kêu gọi các nhân chứng cung cấp nhiều lời khai hơn để giúp vượt qua “những trở ngại đáng kể” trong việc thực thi pháp luật.
Tháng 11 năm ngoái, “Cô X”, một thiếu nữ 18 tuổi giấu tên ở Hồng Kông đã công bố một tuyên bố thông qua hãng luật đại diện của mình, cáo buộc cô đã bị một nhóm cảnh sát cưỡng hiếp tập thể khi bị giam trong đồn cảnh sát Tsuen Wan.
Cô cũng chỉ trích cảnh sát vì tiết lộ thông tin về trường hợp của cô cho giới truyền thông, cáo buộc họ “bôi nhọ thanh danh” của cô và “phá hoại bất kỳ khả năng truy tố nào”.
Báo cáo Nhân quyền Trung Quốc 2019 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hồi tháng 3 năm nay đã xác định “sự tàn bạo của cảnh sát đối với những người biểu tình và những người bị giam giữ” là một trong những “vấn đề nhân quyền quan trọng”.
Báo cáo cho biết chính quyền Hồng Kông “đã tiến hành các bước để truy tố và trừng phạt các quan chức có hành vi xâm phạm quyền con người, nhưng lại từ chối lời yêu cầu rộng khắp của người dân tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt đánh giá mức độ tàn bạo của cảnh sát trong các cuộc biểu tình”.
Trong một báo cáo công bố ngày 4/8 về thái độ hành xử của HKPF với nhân viên cứu trợ trong các cuộc biểu tình, các nhà lập pháp trong Nhóm Nghị sĩ Toàn đảng tại Hồng Kông cho biết HKPF đã “vi phạm các luật và nguyên tắc nhân đạo quốc tế, nhân quyền quốc tế và Tuyên bố chung Trung-Anh”.