Ngày 12/1/2010, một trận động đất mạnh 7 độ đã tấn công Haiti, phá hủy phần lớn thủ đô Port-au-Prince, khiến hơn 250.000 người mất mạng và hơn 1 triệu người mất nhà. 10 năm sau trận động đất, hậu quả mà nó gây ra vẫn hiện diện trên đất nước nghèo nhất Tây Bán Cầu, theo Aljazeera (13/1).
Chỉ vài tháng sau trận động đất, đại dịch tả đã khiến hòn đảo một lần nữa chìm trong đau khổ, khi hàng ngàn người bị tử vong và hàng ngàn người khác bị nhiễm bệnh.

Vào tháng 10/2016, cơn bão Matthew đã xé toạc Haiti, khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng.

Bắt đầu từ năm 2017, trong bối cảnh giận dữ lan rộng vì lạm phát gia tăng, thất nghiệp, thiếu nhiên liệu, bất an và cáo buộc tham nhũng, các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra ở thủ đô Port-au-Prince và các khu vực khác của Haiti, những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Moise Jovenel từ chức.

Kể từ đó, làn sóng phản đối tiếp tục kìm kẹp đất nước. Hàng chục người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh trấn áp người biểu tình, với các cáo buộc lực lượng an ninh đã sử dụng vũ lực quá mức.
Một thập niên sau trận động đất, hòn đảo, cũng như cư dân của nó, vẫn mang những vết sẹo của sự tàn phá quét qua đất nước này.

Theo Ngân hàng Thế giới, hơn 6 triệu người Haiti sống dưới mức nghèo khổ.
Theo Liên Hợp Quốc, khoảng một nửa đất nước bị thiếu dinh dưỡng vào năm 2019, và gần 3,7 triệu người Haiti cần hỗ trợ khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu thực phẩm hàng ngày.
Hàng ngàn người tiếp tục sống trong các trại tạm và không có điện, nước máy.