Chính quyền Trung Quốc kiên quyết thực hiện chính sách zero covid và vụ cháy ở Tân Cương đã gây ra làn sóng phẫn nộ của người dân trên khắp đất nước. Phóng viên BBC người Anh tại Thượng Hải đã bị cảnh sát đối đầu thô bạo trong một cuộc phỏng vấn tại chỗ và bị cưỡng chế đưa đi. Thủ tướng Anh đã lên án điều này, trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn phủ nhận như thường lệ.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã chỉ trích gay gắt chính quyền Trung Quốc vì đã bắt giữ phóng viên Edward Lawrence của BBC, người đã đưa tin về các cuộc biểu tình vào cuối tuần tại Trung Quốc, ông gọi đó là “gây sốc và không thể chấp nhận được”, theo EpochTimes đưa tin ngày 29/11.

Người phát ngôn của văn phòng thủ tướng Anh, hôm 28/11 cho biết: “Việc bắt giữ một nhà báo chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của mình là điều kinh khủng và không thể chấp nhận được. Các nhà báo phải có khả năng thực hiện công việc của mình mà không sợ hãi hoặc bị đe dọa.”

Người phát ngôn cũng cho biết, Bộ Ngoại giao đã liên hệ với cơ quan chức năng Trung Quốc về vụ bắt giữ phóng viên BBC và đã nói chuyện với chính ông Lawrence.

Vào tối thứ Bảy (26 tháng 11), người dân Thượng Hải đã đổ ra đường để tổ chức một cuộc biểu tình, tưởng niệm nạn nhân Urumqi trong trung tâm thành phố, để phản đối chính sách zero covid tàn bạo của chính quyền Trung Quốc, yêu cầu lời giải thích của chính quyền về vụ hỏa hoạn gần đây tại một tòa chung cư cao tầng ở Urumqi, cũng như kiểm duyệt ngôn luận và che dấu các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Urumqi. Video trực tiếp cho thấy những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu như “Cộng Sản Đảng hạ đài”, “Tập Cận Bình hạ đài”, “không muốn xét nghiệm, muốn tự do”.

Phóng viên BBC Lawrence đã bị cảnh sát bắt đi một cách thô bạo hôm Chủ nhật (27/11) khi anh phỏng vấn những người bất mãn đang kháng nghị chính sách phong toả nghiêm ngặt. BBC đã đưa ra một tuyên bố sau đó, nói rằng phóng viên đã bị giam giữ trong vài giờ trước khi được thả, anh đã bị cảnh sát đánh đập trong quá trình này. Tuyên bố nhấn mạnh rằng, anh đã bị tấn công trong khi thực hiện nhiệm vụ báo chí của mình, điều này thật đáng lo ngại.

Tuyên bố cũng cho biết: “Các quan chức trước khi thả anh đã nói rằng, họ bắt giữ anh là vì lợi ích của anh, họ cho rằng anh có thể bị nhiễm covid 19 trong đám đông.”

“Chúng tôi cho rằng lời giải thích này không đáng tin cậy. Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa đưa ra lời giải thích hoặc xin lỗi chính thức nào.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tuyên bố của BBC không phù hợp với thực tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng, “theo những gì chúng tôi biết được từ các cơ quan hữu quan ở Thượng Hải, lý do khiến phóng viên bị bắt đi là do anh ta không xuất trình thẻ báo chí nước ngoài và từ chối hợp tác với các nhân sự có liên quan.

Theo video, ít nhất bốn cảnh sát Trung Quốc đã đè Edward Lawrence xuống đất, đấm đá anh, giật hai cánh tay và khoá còng từ phía sau rồi kéo lê anh trên mặt đất. Lúc này, những người bên cạnh đồng thanh hét lớn: “Thả người! Thả người! Thả người!” 

Bộ trưởng Thương Mại Anh Grant Shapps cho biết hôm thứ Hai (28/11) rằng, không có lý do gì để cảnh sát đánh các phóng viên báo chí đưa tin về các cuộc biểu tình.

Ông Shapps nói với Sky News: “Những nhà báo đó chỉ đưa tin về các cuộc biểu tình đang diễn ra. Hoàn toàn không có lý do gì để họ bị cảnh sát đánh đập. Tôi cho rằng đó là điều đáng lo ngại”.

Lawrence là phóng viên và nhiếp ảnh gia cao cấp của BBC tại Trung Quốc. Hơn mười giờ trước khi bị bắt, anh ấy đã ghi lại các cuộc biểu tình của người dân trên Twitter của mình.

Một người viết trên Twitter: “Tối qua, tôi đã tham gia cuộc biểu tình chống zero covid bất thường ở Thượng Hải. Nhiều người lặng lẽ tụ tập ở đây, xung quanh có rất nhiều cảnh sát. Sau khi hai cô gái đặt hoa, họ đã nhanh chóng bị cảnh sát bắt đi.” Trong khi đó một người đàn ông lái xe ngang qua và tỏ ý khinh thường đối với cảnh sát”.

Sau khi được thả, anh ấy tiếp tục tweet về những gì anh ấy thấy ở đó.

Anh viết trong một tweet hôm thứ Hai (28/11): “Hôm nay, cảnh sát buộc mọi người phải xóa ảnh từ các cuộc biểu tình trong hai ngày qua.” 

Anh tiếp tục tweet rằng: “Tôi luôn bị ấn tượng bởi lòng tốt của người dân Trung Quốc.” Anh cho biết, sau khi anh đậu xe tại một ngã tư Thượng Hải một phụ nữ đã nhận ra anh và cô ấy đã tỏ ra lo lắng: “‘Ohh, Bạn đã bị bắt đi đêm qua. Tôi xin lỗi, bạn có ổn không?’. 

Theo một báo cáo năm 2021 của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Trung Quốc là “quốc gia có nhiều nhà báo bị bắt giữ nhất trên thế giới”, với ít nhất 127 nhà báo hiện đang bị cầm tù.

Trong báo cáo có tựa đề, “bước lùi lớn của ngành báo chí ở Trung Quốc”, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới cho biết chính quyền Trung Quốc đang tiến hành một “cuộc đàn áp chưa từng có” đối với ngành báo chí trên toàn thế giới.

Các cuộc biểu tình do chính sách zero covid cực đoan của Trung Quốc gây ra đã lan rộng trên khắp thế giới. Ngoài những người biểu tình ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh và Vũ Hán, Hoa kiều và sinh viên cũng đổ xô đến đại sứ quán Trung Quốc tại các địa phương để bày tỏ ý chí mạnh mẽ “chống lại kiểm soát và phong tỏa”.

Có thể bạn quan tâm: