Quảng cáo tuyển dụng lao động dựa trên giới tính vẫn còn phổ biến ở Trung Quốc, khi mà nhiều nhà tuyển dụng sử dụng “sự hấp dẫn vật lý” của các đồng nghiệp nữ trong công ty, để tạo ra động lực nộp đơn xin việc cho các ứng viên nam, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch).

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, phân biệt đối xử chống lại nữ giới đã và đang lan rộng trong lĩnh vực tuyển dụng lao động tại rất nhiều các công ty tư nhân và các công ty quốc doanh của Trung Quốc, sau khi tổ chức này phân tích hơn 36.000 quảng cáo việc làm được đăng từ năm 2013 đến 2018.

Nghiên cứu cho thấy: 19% công việc dịch vụ dân sự ở Trung Quốc được chỉ định là “chỉ dành cho nam giới” (men only), hoặc “ưu tiên cho nam giới” (men preferred), hoặc “phù hợp với nam giới” (suitable for men).

“Gần một phần năm quảng cáo việc trong các công ty dịch vụ dân sự của Trung Quốc được mô tả là “chỉ dành cho nam giới” (men only), hoặc “ưu tiên cho nam giới” (men preferred), trong khi các công ty nổi tiếng của Trung Quốc như Alibaba đã xuất bản các quảng cáo tuyển dụng, trong đó hứa hẹn rằng những phụ nữ xinh đẹp (“mỹ nữ”) sẽ là đồng nghiệp của những ứng viên nam trúng tuyển”, bà Sophie Richardson, Giám đốc về vấn đề Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết. “Các nhà chức trách Trung Quốc cần hành động ngay lập tức để chấm dứt các hoạt động phân biệt đối xử với nữ giới một cách ngang nhiên, trong lĩnh vực tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà Nước”.

phân biệt đối xử với nữ giới Trung Quốc
Nữ giới Trung Quốc đã và đang gặp những sự phân biệt đối xử trong khi tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, chỉ vì giới tính của họ. (Ảnh: Human Rights Watch)

Một bản báo cáo chuyên môn của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, dài 99 trang, có tựa đề là “Only Men Need Apply: Gender Discrimination in Job Advertisements in China” (tạm dịch: “Chỉ cần nam giới ứng tuyển: Phân biệt giới tính trong quảng cáo việc làm tại Trung Quốc”, đã phân tích hơn 36.000 quảng cáo việc làm được đăng từ năm 2013 đến năm 2018 trên các trang web tuyển dụng của các công ty Trung Quốc và trên các nền tảng truyền thông mạng xã hội tại quốc gia này.

Đa số các quảng cáo ghi rằng “chỉ dành cho nam giới” (men only), hoặc “ưu tiên cho nam giới” (men preferred). Một số quảng cáo yêu cầu phụ nữ phải có các thuộc tính vật lý nhất định – liên quan đến chiều cao, cân nặng, giọng nói hoặc ngoại hình – và những thuộc tính vật lý này không liên quan gì đến công việc. Nhiều công ty Trung Quốc nêu ra các thuộc tính vật lý của các nhân viên nữ hiện tại trong công ty, để thu hút các ứng viên nam.

Các công ty tư nhân Trung Quốc, bao gồm cả một số gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng đã sử dụng các quảng cáo tuyển dụng lao động dựa trên giới tính. Ví dụ, công cụ tìm kiếm khổng lồ Baidu (được xem là “Google phiên bản Trung Quốc”) đã quảng cáo một công việc vào tháng 3 năm 2017, trong đó ghi rõ rằng những người nộp đơn phải là “nam giới” và có “khả năng làm việc dưới áp lực mạnh mẽ, có thể làm việc vào cuối tuần, vào ngày lễ và ca đêm”. Tập đoàn Alibaba, trong một quảng cáo việc làm vào tháng 1 năm 2018, đã tuyên bố “ưu tiên cho nam giới” (men preferred) cho vị trí “chuyên gia hỗ trợ quản lý nhà hàng”. Tài khoản truyền thông của Alibaba trên mạng xã hội còn đăng một loạt hình ảnh của một số nhân viên nữ trẻ tuổi vào lúc nửa đêm, và mô tả chúng là “lợi ích đêm khuya” (late night benefits).

phân biệt đối xử với nữ giới
Phụ nữ không chỉ phải đối diện với sự phân biệt đối xử trong lúc nộp đơn xin việc, mà còn phải đối mặt với nguy cơ bị trả lương thấp hơn nam giới. (Ảnh: Twitter)

Sự nhấn mạnh vào các thuộc tính vật lý của phụ nữ là một hiện tượng phổ biến trong các quảng cáo việc làm tại Trung Quốc. Nhiều quảng cáo quy định các thuộc tính vật lý không liên quan gì đến tính chất công việc, đối với các ứng viên nữ. Ví dụ, một quảng cáo đăng trên trang Web tìm kiếm việc làm Zhilian Zhaopin đối với công việc bán quần áo ở Bắc Kinh ghi rõ, “có bằng tốt nghiệp trung học hoặc cao hơn, là nữ giới, 18-30 tuổi, chiều cao tối thiểu 163 cm hoặc cao hơn, ngoại hình thon gọn, thẩm mỹ”.

Một số quảng cáo việc làm sử dụng các thuộc tính vật lý của phụ nữ – thường là các nhân viên hiện tại của công ty – để thu hút các ứng viên nam. Trong những năm gần đây, tập đoàn Alibaba đã nhiều lần công bố các quảng cáo tuyển dụng lao động, trong đó khoe khoang rằng có “mỹ nữ” hay “nữ thần” đang làm việc trong công ty. Trong một bài báo vào tháng 10 năm 2016, được công bố trên tài khoản WeChat chính thức của công ty công nghệ cao Tencent, một nhân viên nam được phỏng vấn đã nói rằng: “Lý do tôi tham gia Tencent bắt nguồn từ một động lực mang tính nguyên thủy. Nó chủ yếu là do các cô gái ở phòng nhân sự của Tencent, và những người đã phỏng vấn tôi, đều rất xinh đẹp”.

“Quảng cáo việc làm trong đó nhấn mạnh các đặc điểm giới tính đã trở thành những khuôn mẫu thâm căn cố đế đối với các công ty Trung Quốc”, bà Richardson nói. “Những công ty này tự hào là lực lượng của sự hiện đại và tiến bộ, nhưng họ lại rơi vào chiến lược tuyển dụng cổ hủ như vậy, cho thấy sự phân biệt đối xử sâu sắc với phụ nữ vẫn còn nghiêm trọng ở Trung Quốc”.

Một số phụ nữ Trung Quốc trong những năm gần đây đã dám khởi kiện các công ty tuyển dụng, về hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong các quảng cáo việc làm của họ, nhưng mức bồi thường đối với những kẻ vi phạm là không đáng kể. Vào năm 2013, một nữ sinh viên đã tốt nghiệp – Guo Jing – đã khởi kiện một trường dạy nấu ăn ở tỉnh Chiết Giang, bởi vì ngôi trường này đã công bố một quảng cáo tuyển dụng lao động cho vị trí thư ký, trong đó ghi là “chỉ dành cho nam giới” (men only). Tòa án đã phán quyết rằng, nhà trường đã vi phạm quyền lợi của Guo, và đã yêu cầu họ trả cho Guo 2.000 nhân dân tệ (tương đương 300 đô la Mỹ) tiền bồi thường. Đây được xem là lần đầu tiên một người tìm kiếm việc làm thắng được một vụ kiện về phân biệt đối xử dựa trên giới tính tại Trung Quốc.

phân biệt đối xử với nữ giới Trung Quốc
Thành kiến “Trọng nam, khinh nữ” vẫn còn phổ biến tại Trung Quốc, và đã gây ra cho nữ giới tại quốc gia này rất nhiều thiệt thòi không đáng có. (Ảnh: Chinese Women’s Research Network)

Sự thù địch sâu sắc của chính phủ Trung Quốc đối với các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà hoạt động nữ quyền, và những hạn chế về tự do ngôn luận vốn có tại quốc gia này, đã cản trở những nỗ lực của các nhà hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ khi họ chống lại nạn phân biệt đối xử về giới tính trong lĩnh vực tuyển dụng lao động. Các nhà hoạt động nổi tiếng vì quyền lợi của phụ nữ đã phải đối mặt với những sự quấy rối của cảnh sát; họ bị các nhà chức trách đe dọa và xua đuổi, gây khó dễ trong những năm gần đây. Các tài khoản trên các mạng truyền thông xã hội mà dám ủng hộ quyền lợi của phụ nữ cũng đã nhiều lần bị bịt miệng, và hạn chế hoạt động.

“Thay vì quấy rối và bỏ tù các nhà hoạt động nữ quyền, chính phủ Trung Quốc nên xem họ như là đối tác trong việc chống lại nạn phân biệt đối xử về giới tính trong thị trường việc làm – và xa hơn nữa”, bà Richardson kết luận.

Là một quốc gia thành viên của Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR)Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), Trung Quốc có nghĩa vụ phải loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong nền chính trị, kinh tế, và trong các lĩnh vực xã hội và văn hóa.

Hóa Khoa