Ngày 20/7 năm nay đánh dấu 19 năm chính quyền Trung Quốc phát động một trong những cuộc đàn áp tàn khốc nhất thế giới.

Cuộc bức hại nhằm xóa sổ Pháp Luân Công, môn khí công mà nhiều người trên thế giới cho biết đã giúp họ cải thiện sức khỏe và tinh thần, là “một trong những vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới”, theo ông Dan Fefferman, Giám đốc điều hành của Liên hiệp Tự do Tôn giáo, phát biểu tại một cuộc mít tinh kêu gọi Trung Quốc chấm dứt bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7/2012 tại Đồi Nghị viện ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ.

Như thường lệ, nhân dịp 20/7 năm nay, các học viên Pháp Luân Công từ khắp nơi trên thế giới đã tổ chức các hoạt động thỉnh nguyện và diễu hành để tưởng niệm những người đã khuất và phản đối cuộc đàn áp dã man vẫn đang ngày ngày tiếp diễn tại Trung Quốc, Epoch Times đưa tin.

Khi những vệt nắng cuối cùng dần tắt cũng là lúc ánh sáng từ những ngọn nến chiếu sáng bờ sông Hudson tại New York (Mỹ).

Đối diện tòa nhà Lãnh sự quán Trung Quốc, bờ sông Hudson đắm chìm trong tiếng nhạc dịu êm, các học viên của một môn tu luyện có tên là Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, thắp lên ánh nến tưởng niệm những đau thương và kháng nghị cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của hàng ngàn học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục.

Các học viên Pháp Luân Công tại New York trong một buổi lễ dưới ánh nến tưởng niệm 19 năm ngày bức hại Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc, tại Manhattan, thành phố New York, ngày 16/7/2018. (Larry Dye / Đại Kỷ Nguyên)

Từ thành phố Melbourne, Australia, các học viên Pháp Luân Công cũng đã thực hiện một cuộc diễu hành qua các con đường của thành phố. Dưới bầu trời trong trẻo, sáng sủa, cuộc diễu hành đi qua khu thương mại trung tâm đã gây được không ít sự chú ý của cư dân nơi đây.

Đoàn nhạc Thiên Quốc thu hút đông đảo sự chú ý của người dân trong một cuộc diễu hành tại Toronto (Canada) ngày 20/11/2016 (Ảnh: Minhhui.org)

Đám đông tụ tập bên lề đường chụp ảnh và quay video Đoàn nhạc diễu hành Tian Guo (Thiên Quốc Nhạc Đoàn). Đoàn người giương cao các biểu ngữ với thông điệp như kêu gọi ĐCSTQ “ngừng các cuộc mổ cướp nội tạng sống” hay “hy vọng duy nhất của nhân loại là cải thiện đạo đức”

Vì sao Pháp Luân Công bị đàn áp?

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn khí công Phật gia do Đại sư Lý Hồng Chí sáng lập và giới thiệu ra công chúng vào năm 1992.

Ảnh chụp các học viên Pháp Luân Công đang tập bài công tại New York ngày 10/5/2014 (Ảnh: Minhhui.org)

Các bài tập của Pháp Luân Công bao gồm bốn bài tập đứng và một bài ngồi thiền, giúp cơ thể đạt đến trạng thái thanh thản và hài hòa. Sự thanh lọc về cả thể chất và tinh thần chính là chìa khóa để đạt được sức khỏe toàn diện.

Pháp Luân Công hướng con người tin và thực hành theo các nguyên tắc đạo đức tốt đẹp: Trung thực, Từ bi và Khoan dung (Chân Thiện Nhẫn).

Những kết quả kỳ diệu về sức khỏe và tinh thần mà môn khí công này mang lại đã đưa danh tiếng của Pháp Luân Công lan rộng trên khắp Trung Quốc. Và giờ đây là trên toàn thế giới.

Các học viên từ Hàn Quốc trình diễn các bài công pháp tại Công viên Olympic ở Seoul vào ngày 8/5/2011 nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới (Ảnh: Minghui.org)

Chỉ trong vòng 5 năm, ước tính số người tin và học theo Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã tăng lên một cách nhanh chóng từ 70 triệu đến 100 triệu người, vượt quá số lượng Đảng viên (khi đó là 60 triệu người). Trước thực tế này, Giang Trạch Dân cho rằng việc Pháp Luân Công nổi tiếng và được yêu mến rộng rãi trong dân chúng, và số lượng học viên áp đảo số lượng đảng viên có thể đe dọa sự cai trị của ông.

Ngày 20/7/1999, ông Giang Trạch Dân phát động một cuộc đàn áp toàn quốc, huy động toàn lực bộ máy an ninh của nhà nước bắt và giam giữ các học viên trong các nhà tù, trại lao động cưỡng bách, các trung tâm tẩy não và nhiều cơ sở khác.

Các học viên Pháp Luân Đại Pháp cầm biểu ngữ truyền tải thông điệp phản đối tội ác thu hoạch nội tạng và yêu cầu đưa Giang Trạch Dân ra trước công lý, tại Melbourne, Úc vào ngày 14/7/2018. (Ảnh: Daniel Cameron / NTD)

Theo thống kê chính thức của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hơn 4.000 người đã chết vì bị tra tấn và lạm dụng trong quá trình giam giữ. Con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều. Chưa kể số lượng lớn học viên bị chính quyền đương nhiệm mổ cướp nội tạng nhằm mục đích mưu lợi trong ngành công nghiệp cấy ghép tỷ đô của Trung Quốc.

Năm 2006, một người phụ nữ làm việc tại Bệnh viện Tô Gia Đồn ở Trung Quốc cho biết khoảng 4.000 học viên Pháp Luân Công đã bị giết để lấy nội tạng tại đây.

Cô cho biết chồng cô, một bác sĩ phẫu thuật làm việc tại đây, đã từng thực hiện phẫu thuật lấy giác mạc từ 2.000 học viên khi họ vẫn còn sống. Một số nạn nhân vẫn còn thở sau khi bị lấy nội tạng. Có lúc, nạn nhân bị ném vào lò thiêu khi họ còn đang hấp hối.

‘Organ Crimes’. Bức tranh sơn dầu tái hiện tội ác mổ cướp nội tạng từ một học viên Pháp Luân Công còn sống tại Trung Quốc. (Ảnh: Xiqiang Dong/Epoch Times)

Không nơi nào trên thế giới tội ác đáng sợ lại diễn ra ngang nhiên dưới sự tiếp tay của chính quyền như ở Trung Quốc. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công đã và đang xảy ra ở Trung Quốc

Trong đó có thể kể đến bản ghi âm một cuộc gọi điện thoại, trong đó cựu Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Bai Shuzhong nói rằng Chủ tịch Giang Trạch Dân đã ra lệnh thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép sử dụng nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công tại các trung tâm giam giữ.

Cuộc điện thoại này đã được nhắc đến trong bộ phim tài liệu năm 2017 có tên “Harvest Alive”.

Ảnh minh họa cảnh các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn trong trại giam. (Ảnh: Minghui.org)

Những mất mát đau thương từ cuộc đàn áp đẫm máu

Bất chấp nhiệt độ lên cao giữa đêm mùa hạ, gần 200 học viên Pháp Luân Công đã tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc để tưởng niệm 19 năm cuộc đàn áp, mở đầu cho một cuộc biểu tình kêu gọi chính quyền Trung Quốc kết thúc ngay cuộc đàn áp tàn bạo.

Zhang Hongyu, một học viên Pháp Luân Công từ tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), tìm đến Hoa Kỳ với mong muốn phơi bày những tội ác của chính quyền mà cô và gia đình đã phải chịu đựng.

Zhang Hongyu tại cuộc biểu tình kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, gần lãnh sự quán Trung Quốc ở Manhattan, thành phố New York, vào ngày 16/7/2018. (Ảnh: Larry Dye / The Epoch Times)

Mẹ cô qua đời vào năm 2013 sau nhiều năm bị giam giữ và tra tấn bởi chính quyền Trung Quốc tại trại lao động cưỡng bách Mã Tam Gia khét tiếng. Cha cô, ông Zhang Ming, gần đây đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ và bị cấm gặp người thân.

Cô Zhang kêu gọi các quan chức lãnh sự can thiệp và yêu cầu chính quyền Trung Quốc thả cha cô và tất cả các học viên Pháp Luân Công khác vẫn còn đang bị giam tại Trung Quốc.

“Tại thời điểm quan trọng của lịch sử, ủng hộ hay hủy hoại đạo đức là điều mà cả nhân loại phải cân nhắc lựa chọn”, cô nói.

Các học viên Pháp Luân Công dương cao biểu ngữ kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, gần lãnh sự quán Trung Quốc ở Manhattan, thành phố New York, ngày 16/7/2018. (Larry Dye / Thời báo Đại Kỷ Nguyên)

Gao Hongmei từ tỉnh Cát Lâm đã kể về người mẹ 72 tuổi của mình, bà bị bắt giữ hồi tháng 5 vì phát những tờ rơi chứa thông tin vạch trần cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc. Mẹ cô hiện vẫn chưa được trả tự do.

Theo lời cô Gao, bất kể có bao nhiêu khó khăn và đau đớn đi chăng nữa, các học viên Pháp Luân Công cũng sẽ không bao giờ thỏa hiệp với cái ác. “Tra tấn không thể thay đổi trái tim hướng thiện của họ”, cô nói.

Hỗ trợ từ các chính trị gia và lãnh đạo các tổ chức cộng đồng

Wang Zhiyuan, người phát ngôn của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công, gọi cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn này là một tội ác “diệt chủng”.

Ông cũng chỉ ra rằng những người ủng hộ ĐCSTQ và hỗ trợ Giang Trạch Dân thực hiện cuộc bức hại – như nguyên Bộ trưởng Bộ công an Chu Vĩnh Khang, nguyên Thứ trưởng Bộ công an Lý Đông Sinh, và nguyên Thượng tướng Từ Tài Hậu… – đều đã bị ĐCSTQ thanh trừng và đã phải gánh chịu những hậu quả không tốt trong cuộc sống.

Ông kêu gọi những người vẫn đang tiếp tay cho chiến dịch của cựu Chủ tịch Giang hãy dừng lại ngay lập tức.

Andrew Bush, thành viên cấp cao của Đảng Tự do phát biểu tại Melbourne vào ngày 14/7/2018. Mục đích của cuộc biểu tình là nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp 19 năm đối với các học viên Pháp Luân Công xảy ra ở Trung Quốc. (Ảnh: Chen Ming / Epoch Times)

Andrew Bush, một thành viên cấp cao của Đảng Tự do đã phục vụ hơn 50 năm tại tiểu bang New South Wales và Công lý Hòa bình Victoria, nói rằng ĐCSTQ cần phải nhận ra rằng đàn áp Pháp Luân Công là sai.

“Đây chính là một cuộc diệt chủng cần phải được dừng lại càng sớm càng tốt. Và những người khởi xướng cần phải chịu trách nhiệm. Đã có hơn 200.000 chữ ký kiến nghị đưa Giang Trạch Dân ra trước tòa án Trung Quốc.

“Không chỉ vậy, tôi cũng đã khởi xướng một việc tương tự để đưa Giang Trạch Dân ra trước tòa án hình sự quốc tế. Chúng tôi cần phải làm cho chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng những gì họ đang làm là điều ác, là sai, và họ phải ngừng ngay điều đó lại”.

Bon Nguyen, Chủ tịch Hiệp hội người Việt ở Úc, cho biết với tư cách là một con người, ông có nghĩa vụ lên tiếng về những bất công mà học viên Pháp Luân Công đang phải chịu đựng.

Bon Nguyen, Chủ tịch Hiệp hội người Việt ở Úc, phát biểu tại cuộc biểu tình tại Melbourne vào ngày 14/7/2018. Mục đích của cuộc biểu tình là nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp 19 năm của các học viên Pháp Luân Công xảy ra ở Trung Quốc. (Chen Ming / Epoch Times)

Ông nói: “Tất cả [các học viên Pháp Luân Công] chỉ là tập luyện khí công. Họ không làm gì sai ở Trung Quốc… Với tư cách là một con người, tôi có trách nhiệm và nghĩa vụ phải lên tiếng”.

Gerard Flood từ Đảng Lao động Dân chủ đã gửi thông điệp động viên đến các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.

“Các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới nên yên tâm, vì những áp bức của ĐCSTQ, sự tàn bạo và giết người là dấu hiệu cho sự thất bại của họ. Niềm tin của học viên Pháp Luân Công với nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn sẽ chinh phục tất cả những con tim và khối óc của nhân loại, không chỉ ở Trung Quốc mà ở khắp mọi nơi. Và một ngày nào đó, những kẻ xấu xa sẽ phải đối mặt với công lý”.

Gerard Flood, từ DLP (Đảng Lao động Dân chủ), phát biểu tại một cuộc biểu tình tại Melbourne ngày 14/7/2018 (Chen Ming / Đại Kỷ Nguyên)

Một số nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, trong đó có nhà văn Lin Zhang, cũng phát biểu tại cuộc biểu tình. Ông Lin từng chứng kiến các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn trong khi ông bị giam tại một cơ sở ở tỉnh Quảng Châu vì bị cho là bất đồng chính kiến.

“Lòng dũng cảm và sự kiên trì của họ đã để lại một ấn tượng sâu sắc đối với tôi”, ông nói thêm rằng ông hy vọng tất cả họ sẽ được trả tự do một ngày không xa.

Tuệ Minh